Thứ Bảy, 18/05/2024 12:06 CH
Ngăn ngừa hậu quả từ bệnh của các loại bệnh
Thứ Tư, 22/11/2023 16:24 CH

Đái tháo đường được gọi là bệnh của các loại bệnh. Biến chứng của đái tháo đường hết sức nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh mà chất lượng sống của họ lẫn người thân cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và kiểm soát tốt mức đường huyết sẽ hạn chế biến chứng và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

 

Mù lòa là một trong những biến chứng của bệnh đái tháo đường. Nguồn: vinmec

 

Nguy hiểm từ “bệnh của các loại bệnh”

 

Đái tháo đường là bệnh mạn tính do rối loạn chuyển hóa đường (glucose) trong cơ thể dẫn đến cơ thể không sử dụng hết glucose, từ đó làm tăng mức glucose trong máu. Lượng glucose tăng trong máu dần dần phá hủy mạch máu, nhất là mạch máu nhỏ ở các cơ quan sinh tử của cơ thể như mắt, tim, thận, não và làm hỏng các cơ quan này. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, có đến 60% các trường hợp suy thận, phải chạy thận nhân tạo là biến chứng của đái tháo đường; từ 20-30% các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ là biến chứng của đái tháo đường. Ngoài ra, đái tháo đường còn gây biến chứng mù lòa do hỏng võng mạc (bệnh lý võng mạc của đái tháo đường), cắt cụt chi do tắc mạch gây hoại tử, suy giảm chức năng sinh dục...

 

Trên thế giới ước tính khoảng 537 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh đái tháo đường; con số này dự báo sẽ tăng 643 triệu người vào năm 2030 và tăng 783 triệu người vào năm 2045. Cứ 5 giây lại có một người mắc bệnh đái tháo đường và cứ 10 giây lại có một người bị cắt cụt chi vì đái tháo đường. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng nhanh ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Trong năm 2019, đái tháo đường là nguyên nhân trực tiếp làm 1,5 triệu người tử vong và 48% các trường hợp tử vong đó trước 70 tuổi. 460.000 người chết do suy thận gây ra bởi biến chứng của đái tháo đường, và tăng đường huyết làm khoảng 20% chết do bệnh lý tim mạch.

 

Tại Việt Nam, số liệu thống kê gần đây cho thấy tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường chiếm từ 4,7-5% dân số. Với số dân 100 triệu, Việt Nam có khoảng 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Và cũng như trên thế giới, đái tháo đường type 2 chiếm khoảng 90-95%.

 

Có thể ngăn ngừa

 

Đái tháo đường type 2 có thể ngăn ngừa được. Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bao gồm thừa cân, béo phì, lười vận động và di truyền. Biết được các yếu tố này rất quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn bệnh đái tháo đường type 2.

 

Ở Việt Nam, các bệnh nhân đái tháo đường thường được phát hiện muộn, khi đã có biến chứng hoặc khi điều trị một bệnh khác. Bên cạnh đó, số bệnh nhân đái tháo đường được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc đầy đủ còn nhiều hạn chế. Chính các yếu tố trên đang làm cho tỉ lệ biến chứng tim, thận, mắt ở bệnh nhân đái tháo đường tăng cao.

 

Chẩn đoán sớm đái tháo đường rất quan trọng để ngăn ngừa hậu quả tồi tệ của đái tháo đường type 2. Biện pháp tốt nhất là phát hiện bệnh nhân đái tháo đường sớm và các trường hợp rối loạn dung nạp glucose để điều trị, can thiệp kịp thời. Để đạt được mục tiêu phòng chống đái tháo đường trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa một số giải pháp. Đầu tiên là tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân về đái tháo đường cũng như hậu quả của bệnh thông qua hoạt động truyền thông. Điều quan trọng là phát hiện sớm các bệnh nhân đái tháo đường và người tiền đái tháo đường (thông qua nhân viên y tế hay tổ chức khám, sàng lọc định kỳ) để can thiệp sớm. Trạm y tế xã test nhanh đường huyết cho những người đến khám bất kỳ bệnh gì. Hoạt động này phải làm thường xuyên, liên tục. Khi phát hiện các bệnh nhân đái tháo đường hay nghi ngờ tiền đái tháo đường thì lập kế hoạch hỗ trợ và điều trị cho người bệnh.

 

Bệnh nhân đái tháo đường cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Đối với các bệnh mạn tính nói chung, đái tháo đường nói riêng, việc điều trị thường phối hợp 3 biện pháp: chế độ ăn - vận động thể lực - thuốc hạ đường huyết. Chế độ ăn của người bệnh phải đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể nhưng không gây tăng đường và các rối loạn chuyển hóa lipide, protide. Việc vận động thể lực phải phù hợp, vừa đảm bảo tăng sử dụng glucose của cơ thể, đồng thời kích thích tế bào của cơ thể tăng nhạy cảm với insulin; không vận động quá sức hay quá ít. Sử dụng thuốc theo chỉ định của cán bộ y tế, không tự động bỏ thuốc hay tăng liều, thay thuốc; tuyệt đối không tin theo quảng cáo mà mua các thuốc không rõ nguồn gốc, chủng loại... để điều trị.

 

Cơ quan chuyên môn cần tăng cường nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị cần thiết, tổ chức khám định kỳ, khám sàng lọc để phát hiện bệnh nhân đái tháo đường và các trường hợp tiền đái tháo đường để hỗ trợ kịp thời. 

 

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, nếu phát hiện sớm các trường hợp rối loạn dung nạp glucose (tiền đái tháo đường) để can thiệp đúng sẽ kéo dài thời gian diễn tiến đến đái tháo đường của những người này từ 5-10 năm, thậm chí 15 năm.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek