Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có công văn gởi sở Y tế 63 tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại.
Theo đó, các sở Y tế được đề nghị chú trọng phối hợp với Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh tăng cường rà soát việc xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại theo chương trình quốc gia Khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2022-2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại đầy đủ, cụ thể: Xây dựng kế hoạch cung ứng, sử dụng vắc xin và huyết thanh kháng dại; rà soát, kiện toàn, mở rộng số lượng điểm tiêm chủng phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo dễ tiếp cận, đặc biệt ở khu vực có nguy cơ cao, mỗi huyện có ít nhất một điểm tiêm; đảm bảo đủ trang thiết bị, vắc xin và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng...
Nâng cao năng lực hệ thống phòng chống bệnh dại trên người thông qua tập huấn. Chia sẻ thông tin, phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương nhằm giám sát và phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để, hạn chế lây nhiễm bệnh dại sang người. Tham mưu UBND tỉnh thành lập quỹ dự trữ vắc xin và huyết thanh kháng dại đề phòng tình trạng khan hiếm và đáp ứng khi có dịch.
Năm 2022, cả nước có 70 ca tử vong do dại xảy ra ở 28 tỉnh, thành phố và hơn 500.700 người bị chó, mèo cắn, phải điều trị dự phòng. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2023, có 75 ca tử vong do bệnh dại xảy ra tại 30 tỉnh, thành phố; số người phải điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 500.000 người, cao hơn cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, Phú Yên ghi nhận 1 ca tử vong do bệnh dại (tại xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa).
YÊN LAN