Thứ Sáu, 22/11/2024 08:13 SA
Cảnh giác với nguy cơ đột quỵ trong mùa mưa lạnh
Thứ Hai, 06/11/2023 09:00 SA

Đột quỵ là một tình trạng bệnh lý cấp cứu hết sức cấp bách. Những bệnh nhân bị đột quỵ được cấp cứu kịp thời và đúng phương pháp có thể hoàn toàn phục hồi. Ngược lại, nếu qua giờ vàng thì tỉ lệ sống sót sẽ giảm và nếu sống, bệnh nhân bị các biến chứng như liệt chi, méo mặt, loét do nằm lâu...

 

Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Tùy theo tình trạng mạch máu não bị nghẽn hay vỡ, đột quỵ được chia thành 2 loại: thiếu máu cục bộ và xuất huyết não. Đột quỵ loại thiếu máu cục bộ phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% các trường hợp đột quỵ, nguyên nhân là tắc nghẽn động mạch trong não (do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa động mạch, sự tích tụ cholesterol trên thành mạch).

 

Đây được gọi là nhồi máu não, gây ra sự phá hủy một hoặc nhiều vùng não được tưới máu bởi động mạch bị ảnh hưởng. Loại thứ hai là đột quỵ xuất huyết, xảy ra khi một động mạch bị vỡ trong não (xuất huyết trong não) hoặc ở ngoại vi não (xuất huyết dưới nhện). Đột quỵ xuất huyết thường do huyết áp cao gây ra, nhưng bệnh lý này cũng có thể do vỡ phình động mạch, trong trường hợp một túi máu nhỏ hình thành trên động mạch bị suy yếu.

 

Thực tế cho thấy bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ. Tuy nhiên một số đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao hơn như: nam giới, tuổi trên 50, tiền sử gia đình có người đột quỵ, đã từng bị đột quỵ, cao huyết áp, bị bệnh về tim mạch, đái tháo đường, hút thuốc lá, nghiện rượu bia, thừa cân béo phì, lười vận động, mỡ máu cao... Trong mùa đông giá lạnh, số ca đột quỵ tăng 15% so với các mùa khác.

 

Các dấu hiệu của đột quỵ khá nhiều, nhưng thường gặp là các dấu hiệu sau đây: Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó (có thể bảo bệnh nhân cười để quan sát); đột ngột cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu một bên cơ thể (bảo bệnh nhân giơ tay lên so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ); đột ngột nhức đầu dữ dội hay chóng mặt, bệnh nhân không yếu liệt chi nhưng không thể ngồi hay đi đứng được như người bình thường; đột ngột mất thị lực, mờ mắt, nhìn không rõ; giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ (có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ).

 

Dấu hiệu của đột quỵ nhiều nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có các dấu hiệu như trên, có bệnh nhân chỉ có một hay vài dấu hiệu nên khi phát hiện đưa đến bệnh viện đã qua giờ vàng. Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, tùy theo kiểu đột quỵ mà giờ vàng chỉ từ một đến vài giờ đồng hồ để cấp cứu hiệu quả.

 

Hiểu được đột quỵ và nguy cơ đột quỵ, mọi người hết sức lưu ý đến sức khỏe của mình, của người thân, nhất là những người có các yếu tố nguy cơ cao. Như vậy mới có thể chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, đưa đi cấp cứu kịp thời các trường hợp bị đột quỵ, nhất là vào mùa mưa lạnh.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek