Bộ Y tế vừa có quyết định ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn điều trị dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch” (TTHKTM), áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Theo tài liệu chuyên môn này, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và thuyên tắc động mạch phổi được coi là hai biểu hiện cấp tính có chung một quá trình bệnh lý, gọi là TTHKTM. Huyết khối tĩnh mạch sâu là sự hình thành cục máu đông trong các tĩnh mạch sâu của hệ tuần hoàn, thường gặp nhất là tĩnh mạch chi dưới, gây tắc nghẽn hoàn toàn hoặc một phần dòng máu trong lòng tĩnh mạch. Khi huyết khối này bứt ra khỏi lòng mạch, sẽ di chuyển theo dòng máu về tim phải lên động mạch phổi, dẫn đến bệnh cảnh tắc động mạch phổi.
Cơ chế hình thành TTHKTM là do sự phối hợp của 3 yếu tố: ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, rối loạn quá trình đông máu gây tăng đông và tổn thương thành mạch.
Nguyên nhân gây ra TTHKTM thường được chia làm hai nhóm: di truyền và mắc phải. Tuy nhiên, TTHKTM có thể là hậu quả của nhiều yếu tố (các yếu tố thúc đẩy), góp phần làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông dẫn đến TTHKTM. Nguy cơ tái phát TTHKTM phụ thuộc một phần vào sự tham gia của các yếu tố thúc đẩy tại thời điểm bị TTHKTM lần đầu.
Tại các nước phát triển, TTHKTM đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân tử vong tim mạch. Theo nghiên cứu INCIMEDI tại Việt Nam, tỉ lệ TTHKTM không triệu chứng ở bệnh nhân nội khoa nằm viện là 22%.
QUỲNH NHƯ