Thứ Sáu, 22/11/2024 08:39 SA
Mối nguy âm thầm từ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Thứ Hai, 30/10/2023 09:13 SA

Một bệnh nhân COPD bị suy hô hấp nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN

Được ví như kẻ giết người thầm lặng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong. Theo Bộ Y tế, nguyên nhân phổ biến gây COPD là hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm không khí.

 

Có thể phòng và điều trị COPD được không? Báo Phú Yên trao đổi với BSCKII Nguyễn Thị Phương, Phó phụ trách Khoa Nội tổng hợp, phụ trách đơn vị Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Bác sĩ Phương cho biết:

 

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh hô hấp phổ biến, có thể phòng và điều trị được. Đây là bệnh lý không đồng nhất, đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp mạn tính (khó thở, ho, khạc đờm) và các đợt cấp do tình trạng bất thường của đường thở (viêm phế quản, viêm tiểu phế quản) và/hoặc phế nang (khí phế thũng) gây ra tắc nghẽn đường thở dai dẳng và tiến triển.

 

Nguyên nhân gây COPD liên quan đến sự phơi nhiễm với các hạt hoặc khí độc hại và các yếu tố chủ thể bao gồm phổi kém phát triển khi còn nhỏ, đột biến gen SERPINA1 gây ra thiếu hụt alpha 1 antitrysin. Khói thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chính; ô nhiễm không khí và khói chất đốt sinh hoạt cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng gây COPD. Các bệnh đồng mắc và đợt kịch phát làm nặng thêm tình trạng bệnh và tăng tử vong.

 

BSCKII Nguyễn Thị Phương

* COPD nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ?

 

- COPD là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh, tỉ lệ mắc COPD chiếm 4,2% dân số, trong đó 37,5% người trưởng thành mắc COPD được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng, phải nhập viện. Trong 100 người mắc COPD thì có đến 90 người là do khói thuốc lá, thuốc lào, phơi nhiễm các hạt hoặc khí độc hại; 10% còn lại là từ các nguyên nhân khác.

 

Vì COPD tiến triển chầm chậm, từ từ nên nhiều người không phát hiện ra. Đo chức năng hô hấp sẽ chẩn đoán chính xác COPD để điều trị. Mục tiêu điều trị COPD là giảm nhẹ các triệu chứng, tăng khả năng gắng sức và nâng cao tình trạng sức khỏe, bảo vệ người bệnh khỏi các đợt cấp, ngăn bệnh tiến triển và giảm thiểu tử vong.

 

Các phương pháp điều trị gồm dùng thuốc và không dùng thuốc, đồng thời tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, như khói thuốc lá thuốc lào, khói bụi…

 

Người ta tính rằng, một bệnh nhân COPD không được điều trị trong giai đoạn ổn định, phải nhập viện vì đợt kịch phát thì chi phí điều trị lên đến 225 triệu đồng mỗi năm, gấp 10 lần chi phí điều trị ngoại trú trong giai đoạn ổn định.

 

Nếu các trường hợp mắc COPD được khám, đo chức năng hô hấp, tư vấn, điều trị và quản lý tốt thì sẽ ít xuất hiện những đợt cấp, bệnh nhân ít phải vào viện hơn.

 

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có 2 máy đo chức năng hô hấp. Thiết bị này giúp phân biệt chính xác đâu là hen phế quản, đâu là COPD vì 2 bệnh này có những điểm tương đồng về lâm sàng, và điều trị tốt hơn.

 

* Bác sĩ có thể cho biết những dấu hiệu cảnh báo COPD?

 

- Trước hết, bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, như hút thuốc lá, thuốc lào - bao gồm hút thuốc chủ động và thụ động; thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, khí độc hại; có bệnh phổi mạn tính kéo dài; ho, khạc đờm kéo dài mà không phải do các bệnh phổi khác; khó thở... Khó thở do COPD diễn ra dai dẳng và kéo dài, tiến triển nặng dần theo thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Ngay cả việc đi lại cũng không dễ dàng vì bệnh nhân khó thở. Ở giai đoạn cuối, người bệnh không thể làm được những việc đơn giản.

 

* Đối với những người đang chung sống với COPD, bác sĩ có lời khuyên gì?

 

- Nếu người bệnh hút thuốc thì việc đầu tiên là phải bỏ thuốc lá, thuốc lào. Cũng cần phải động viên những người chung quanh bệnh nhân bỏ thuốc, vì hút thuốc thụ động cũng rất nguy hại. Ngoài ra, phải hạn chế tiếp xúc với khói bụi độc hại. Khi thời tiết thay đổi và trong mùa lạnh, người bệnh cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực, tránh bị cảm lạnh.

 

Bệnh nhân COPD cần tuân thủ điều trị; vệ sinh mũi họng thường xuyên; phát hiện sớm và điều trị kịp thời các nhiễm trùng tai - mũi - họng, răng - hàm- mặt; phát hiện và điều trị các bệnh đồng mắc.

 

Nhiễm trùng đường hô hấp như cúm, viêm phổi... là một trong các yếu tố nguy cơ gây đợt cấp COPD. Việc tiêm vắc xin có thể giúp giảm các đợt cấp nặng và giảm tỉ lệ tử vong. Vì vậy, người mắc COPD nên tiêm phòng vắc xin cúm và tiêm nhắc lại hàng năm, tiêm phòng vắc xin phế cầu 5 năm một lần để ngừa viêm phổi...

 

Bệnh nhân COPD cần tăng cường dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao phù hợp để tăng sức đề kháng, tập phục hồi chức năng hô hấp...

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Theo Bộ Y tế, dựa trên các nghiên cứu dịch tễ học, tỉ lệ mắc COPD trên thế giới là 11,7% và có khoảng 3 triệu ca tử vong hàng năm. Với sự gia tăng tỉ lệ hút thuốc lá tại các nước đang phát triển và sự già hóa dân số ở những quốc gia phát triển, tỉ lệ mắc COPD được dự đoán sẽ tăng cao trong những năm tới và đến năm 2030 ước tính có trên 4,5 triệu trường hợp tử vong hàng năm do COPD và các rối loạn liên quan.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek