Sức khỏe tâm thần là một trong ba thành phần cấu thành nên sức khỏe của mỗi người (thể chất, tinh thần và xã hội). Trong thời gian dài, do nhiều yếu tố, chúng ta chỉ mới chú trọng đến sức khỏe thể chất, chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Những khoảng cách
Trong các mục tiêu phát triển bền vững cần đạt được có mục tiêu chăm sóc sức khỏe tâm thần. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất nhận thức pháp lý. Tự tử là nguyên nhân thứ tư dẫn đến cái chết của thanh niên lứa tuổi 15-29. Người có tình trạng sức khỏe tâm thần trầm trọng thường chết sớm tới 20 năm so với người có bất ổn về thể chất, vì tình trạng sức khỏe thể chất có thể phòng ngừa được. Mặc dù đã có sự tiến bộ ở nhiều quốc gia nhưng người có tình trạng sức khỏe tâm thần trầm trọng thường bị phân biệt đối xử, kỳ thị và nhiều khi bị bạo lực.
Nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần có thể điều trị hiệu quả với chi phí tương đối thấp, tuy nhiên khoảng cách giữa những người cần được chăm sóc và những người cần được tiếp cận dịch vụ chăm sóc vẫn còn rất lớn. Độ bao phủ điều trị hiệu quả vẫn còn rất thấp. Do đó, cần phải tăng cường đầu tư trên mọi mặt: Nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và giảm kỳ thị; nỗ lực tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần có chất lượng và điều trị hiệu quả; nghiên cứu, tìm kiếm phương pháp điều trị mới và cải thiện chất lượng điều trị cho tất cả các dạng rối loạn tâm thần.
Nhiều bằng chứng cho thấy sự chia sẻ của cộng đồng và sự quan tâm của nhà trường góp phần giảm tỉ lệ các rối loạn tâm thần; sống trong môi trường mất an ninh dễ làm suy yếu sức khỏe tâm thần. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử có ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe tâm thần. Những người có hoàn cảnh không may mắn và chấn thương thường dễ bị trầm cảm hơn so với những người khác.
Cần làm gì trước các con số biết nói?
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê gần nhất, tỉ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 14,9% dân số, nghĩa là khoảng 15 triệu người có biểu hiện rối loạn tâm thần. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt, còn các rối loạn khác thì bỏ qua hoặc xem thường. Thực tế, tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số; trầm cảm lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5,4% dân số; còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu bia 5,3%, ma túy (0,3%)...
Ở trẻ em, các vấn đề về sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Có thể nói ai cũng có thể bị rối loạn tâm thần, ít nhất là ở giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Vì vậy, chúng ta không nên kỳ thị người rối loạn tâm thần.
Phú Yên chưa có số liệu điều tra đầy đủ nhưng nếu lấy tham chiếu tỉ lệ chung của Việt Nam thì trên địa bàn tỉnh có khoảng 140.000-150.000 người có các rối loạn tâm thần. Đây quả là con số không hề nhỏ. Trên thực tế, nhiều trường hợp tự tử do trầm cảm, hay có những hành vi nguy hiểm do bị rối loạn tâm thần mà chúng ta không biết. Một số người gặp khó khăn trong cuộc sống đã có hành động tiêu cực, chỉ một xích mích nhỏ trong sinh hoạt đã dùng bạo lực giải quyết. Bên cạnh đó, nhiều người thiếu kiềm chế cảm xúc, dễ kích động, gây gổ vì những điều hết sức đơn giản. Đó là những báo động về tình trạng sức khỏe tâm thần.
Thực trạng trên cho thấy cần phải quan tâm hơn nữa trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân. Trước hết, cần nhận thức rõ tỉ lệ rối loạn tâm thần đang chiếm tỉ lệ khá cao trong dân số nước ta, lên tới 14,9%. Các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu chiếm tỉ lệ khá cao, tiếp đến là động kinh, chậm phát triển tâm thần, mất trí tuổi già, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, lạm dụng bia rượu, ma túy..., cần sự vào cuộc của không chỉ cán bộ y tế mà của cả cộng đồng xã hội.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho mọi người về tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe tâm thần, chúng ta cần có những chính sách phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực về chăm sóc sức khỏe tâm thần; mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân; khuyến khích xã hội hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần để cung cấp dịch vụ cho người có nhu cầu; đầu tư trang thiết bị hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần hiệu quả cho các cơ sở y tế để phát hiện, chăm sóc các trường hợp rối loạn tâm thần; xây dựng các cơ sở y tế chuyên sâu đủ khả năng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân tâm thần; đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt cộng đồng, nhất là cho những người có rối loạn tâm thần. Và cuối cùng, cần có những chính sách khuyến khích cán bộ, bệnh nhân, người thân trong quản lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần.
BS NGUYỄN VINH QUANG