Sỏi túi mật là một bệnh thường gặp, đa phần được phát hiện khi người bệnh tình cờ đi làm siêu âm bệnh khác. Tuy âm thầm nhưng sỏi túi mật có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh nhân được chăm sóc sau khi phẫu thuật lấy sỏi túi mật bằng phương pháp nội soi. Ảnh: YÊN LAN |
Hàng trăm viên sỏi trong túi mật
Trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, sau khi siêu âm, ông V.V.N 69 tuổi ở phường 1 (TP Tuy Hòa) mới biết trong túi mật có nhiều sỏi. Tuy nhiên, ông thấy sức khỏe vẫn ổn.
Cuối tháng 9 vừa qua, những cơn đau xuất hiện. Ông N cảm thấy đau quặn vùng hạ sườn phải và bị sốt. Ông được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.
Bằng kỹ thuật cận lâm sàng, bác sĩ phát hiện trong túi mật của bệnh nhân N chứa hàng trăm viên sỏi nhỏ, gây viêm. Ca phẫu thuật lấy sỏi bằng phương pháp nội soi được tiến hành ngay sau đó. BSCKII Nguyễn Văn Ánh, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, phẫu thuật viên chính, cho biết: Việc lấy hết sỏi trong túi mật đã bị viêm và hoại tử tốn rất nhiều thời gian vì sỏi quá nhiều. Ngoài hàng trăm viên sỏi được gắp ra, trong túi mật bệnh nhân N còn có vô số sỏi li ti như hạt cát, được hút ra ngoài.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định sức khỏe. Ông N kinh ngạc khi nhìn tận mắt rất nhiều viên sỏi đã được lấy ra từ túi mật của ông.
Không chủ quan với sỏi túi mật
Theo y văn, túi mật là một túi nhỏ hình quả lê nằm mắt dưới gan bên phải, là nơi dự trữ và phân phối mật để giúp tiêu hóa chất béo. Mật do gan bài tiết được lưu trữ trong túi mật, sau đó bài xuất xuống ruột để tiêu hóa chất béo.
Bác sĩ Ánh cho hay: Sỏi túi mật là một bệnh thường gặp. Nguyên nhân hình thành sỏi túi mật có rất nhiều, trong đó có nguyên nhân nhiễm trùng và nguyên nhân chuyển hóa. Ở người châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng, đa phần sỏi túi mật là do nhiễm trùng (nhiễm vi khuẩn hoặc sán). Xác vi khuẩn hoặc xác sán tạo thành nhân, sau đó sỏi hình thành. Còn nguyên nhân chuyển hóa là từ sự rối loạn chuyển hóa của cơ thể. Khi đó, cơ thể thải nhiều muối mật đọng lại trong túi mật, trong ống mật tạo thành sỏi.
Phụ nữ có nguy cơ bị sỏi túi mật cao hơn nam giới. Người ít vận động, thừa cân béo phì, đái tháo đường, người trên 60 tuổi, người có chế độ ăn quá nhiều cholesterol hoặc quá kiêng khem cũng dễ bị sỏi túi mật.
Theo bác sĩ Ánh, trong các ca bệnh sỏi túi mật, đa phần có từ 1-2 viên sỏi; tỉ lệ có trên 10 viên sỏi trong túi mật chiếm 30-40%. Số lượng sỏi nhiều như trong túi mật bệnh nhân N rất ít gặp.
Thông thường, 70% số người bị bệnh sỏi túi mật không có triệu chứng, đa phần trường hợp được phát hiện khi người bệnh tình cờ đi làm siêu âm bệnh khác.
Sỏi túi mật có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ Ánh cho biết: “Bệnh sỏi túi mật nếu không điều trị có thể sẽ dẫn đến tình trạng viêm túi mật, thường xuyên đau bụng và hoại tử túi mật. Khi đó, sỏi từ túi mật rơi vào ổ bụng, tạo thành áp xe, tiên lượng rất nặng. Trường hợp bệnh nhân N, túi mật đã hoại tử nhưng may mắn là sỏi chưa rơi vào ổ bụng. Nếu để lâu hơn nữa, sỏi sẽ rơi vào ổ bụng. Và với số lượng sỏi nhiều như thế này thì phải phẫu thuật mở ổ bụng chứ không thể phẫu thuật nội soi”.
Theo bác sĩ Ánh, dự phòng sỏi túi mật liên quan nhiều nhất là chế độ ăn. Ăn nhiều rau xanh là tốt, tuy nhiên nếu rau xanh bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng mà không được khử sạch, thì vi khuẩn, sán... có trên rau sẽ xâm nhập, ký sinh trong ống mật, túi mật, hình thành nhân sỏi, từ đó hình thành sỏi.
Mặt khác, nhiều sỏi mật hình thành từ cholesterol. Tuy không thể ngăn ngừa sỏi túi mật nhưng chúng ta có thể hạn chế cholesterol bằng cách ăn nhiều cá thay vì ăn thịt, hạn chế đồ ăn chiên, xào, ăn thêm ngũ cốc nguyên hạt, chọn các chế phẩm bơ, sữa ít béo, ăn nhiều rau xanh sạch và trái cây tươi. Tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát mức cholesterol cũng là những việc quan trọng, có thể giảm bớt các nguy cơ dẫn đến sỏi túi mật.
Dự phòng sỏi túi mật liên quan nhiều nhất là chế độ ăn. Ăn nhiều rau xanh là tốt, tuy nhiên nếu rau xanh bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng mà không được khử sạch, thì vi khuẩn, sán... có trên rau sẽ xâm nhập, ký sinh trong ống mật, túi mật, hình thành nhân sỏi, từ đó hình thành sỏi.
BSCKII Nguyễn Văn Ánh, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên |
YÊN LAN