Theo thông tin từ Bệnh viện Mắt Phú Yên, những ngày qua, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca viêm kết mạc. Nếu như trước đây, bình quân mỗi ngày Bệnh viện Mắt Phú Yên khám khoảng 400 ca thì từ ngày 11/9 đến nay, số người đến khám tăng lên khoảng 600, trong đó có đến 350-400 ca viêm kết mạc. Thống kê sơ bộ tại bệnh viện cho thấy tỉ lệ người bệnh cao nhất là ở khu vực TP Tuy Hòa và huyện Phú Hòa.
Bác sĩ khám mắt một bệnh nhân bị viêm kết mạc, tại Bệnh viện Mắt Phú Yên. Ảnh: YÊN LAN |
Theo y văn, có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc, thường gặp nhất là do virus và tác nhân gây dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc...). Nếu viêm kết mạc do virus, bệnh nhân có các triệu chứng: Kết mạc mắt đỏ; ngứa, chảy nước mắt, cảm giác cộm xốn mắt; phù mi; có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như: Ho, hắt hơi, sốt, viêm họng, nổi hạch. Khi có biến chứng, bệnh nhân sẽ cảm thấy chói mắt, giảm thị lực, thâm nhiễm giác mạc. Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn, triệu chứng gồm: Ngứa, chảy nước mắt; xuất hiện gỉ mắt (ghèn) màu xanh hay vàng dính hai mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng; kết mạc mắt đỏ. Trong trường hợp nặng, giác mạc bị viêm loét, giảm thị lực không phục hồi.
Hiện bệnh viêm kết mạc lây lan mạnh trong các hộ gia đình và trong trường học. Theo ThS Huỳnh Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Phú Yên, dịch đau mắt đỏ xuất hiện theo chu kỳ, lần gần đây nhất cách đây khoảng 7 năm. Hiện nay, thời tiết nóng ẩm, gió bụi là môi trường thuận lợi cho virus phát triển. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc: dụi mắt, bắt tay; qua các vật trung gian...
Bác sĩ Khánh cho biết: “Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, nếu người bệnh không giữ vệ sinh tốt thì có thể bị biến chứng, gây viêm giác mạc”. Ông khuyến cáo người dân giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với người bệnh, không dùng chung các vật dụng cá nhân...
“Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ, người bệnh hãy đến cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ chuyên khoa khám, tư vấn về việc sử dụng thuốc cho phù hợp, không nên tự mua thuốc nhỏ mắt. Mắt đỏ, đổ ghèn trong đợt dịch phần lớn là do dịch. Tuy nhiên, nếu có những nguyên nhân khác nhưng người dân không biết, dùng thuốc nhỏ mắt không đúng thì có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, thậm chí gây hư mắt”, bác sĩ Khánh lưu ý.
Liên quan đến bệnh đau mắt đỏ, hiện nay, thuốc đang khan hiếm trên thị trường. Chủ một tiệm thuốc ở phường 1 (TP Tuy Hòa) nói: “Chúng tôi mua hàng nhưng không có. Thuốc được sản xuất trong nước không tăng giá, nhưng không đủ cung cấp vì nhu cầu đang tăng cao. Thuốc nhập từ nước ngoài tăng giá, do nguồn cung từ TP Hồ Chí Minh tăng giá”.
BSCKI Châu Trọng Phát, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên cho biết: Trung tâm đang đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh đau mắt đỏ. Các biện pháp chủ yếu gồm: Tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh; vận động hợp lý để tăng cường sức khỏe và chăm sóc y tế phù hợp.
Số ca bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ, nhặm mắt) đang tăng cao. Đây là một bệnh nhiễm trùng, chủ yếu do virus, vi khuẩn. |
YÊN LAN