Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca mắc, nghi mắc bệnh tay chân miệng có chiều hướng giảm so với các tuần trước. Trong tuần 30, toàn tỉnh ghi nhận 115 ca bệnh tay chân miệng, giảm 14 ca so với tuần 29 và giảm 6 ca so với tuần 28.
Tính đến cuối tháng 7/2023, Phú Yên đã ghi nhận 476 ca mắc, nghi mắc bệnh tay chân miệng. Số ca bệnh tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2022 (93 ca). Những địa phương có số ca mắc tăng cao là TP Tuy Hòa (148 ca), huyện Tuy An (137 ca), huyện Phú Hòa (58 ca), TX Đông Hòa (47 ca). Toàn tỉnh đã ghi nhận 29 ổ dịch tay chân miệng, nhiều nhất là ở TP Tuy Hòa (20 ổ dịch), sau đó đến huyện Tuy An (5 ổ dịch).
Bệnh tay chân miệng do các virus đường ruột họ Picornaviridae gây ra, phổ biến nhất là Coxsackievirus A và Enterovirus 71 (EV-71). Đây là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, đối tượng thường mắc bệnh là trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, có xu hướng gia tăng từ tháng 3-5 và tháng 9-12 hàng năm. Để phòng chống bệnh tay chân miệng, cần thực hiện tốt “3 sạch”: Bàn tay sạch, ăn uống sạch và ở sạch.
Số ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng có chiều hướng giảm. Trong tuần 30, số ca mắc SXH giảm 26 ca so với tuần 29 và giảm 38 ca so với tuần 28. Tính đến cuối tháng 7/2023, toàn tỉnh ghi nhận 1.119 ca mắc SXH, giảm 815 ca so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 42,1%); có 66 ổ dịch SXH, giảm 54 ổ dịch so với cùng kỳ năm 2022. Các địa phương có nhiều ổ dịch SXH là TX Đông Hòa (22 ổ dịch), huyện Tây Hòa (18 ổ dịch), TP Tuy Hòa (12 ổ dịch). Riêng TX Sông Cầu và huyện Sơn Hòa chưa ghi nhận ổ dịch SXH.
YÊN LAN