Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp đánh giá sức khỏe tổng quát cho những người chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân, giúp phát hiện, điều trị kịp thời nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.
Khi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi sẽ được làm xét nghiệm bệnh di truyền, bệnh lây nhiễm qua quan hệ tình dục cũng như kiểm tra khả năng sinh sản của cả hai. Qua đó, họ có thể hiểu rõ về yếu tố di truyền, bệnh lây nhiễm của bản thân và có biện pháp điều trị hoặc phòng ngừa cần thiết cũng như chuẩn bị mang thai sau này.
Theo bác sĩ Hồ Phước Quế Như, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên), khám tiền hôn nhân mang lại nhiều lợi ích và cũng là cơ sở để xây dựng cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, bền vững. Tuy nhiên, thực tế, rất ít bạn trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc làm này, phần vì tâm lý e ngại, phần vì họ chủ quan nghĩ rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh mà bỏ qua. Điều này có thể gây nên những hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái.
Không chú trọng đến khám sức khỏe tiền hôn nhân nên khi sinh con ra mắc bệnh di truyền, chị H.T.K (xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) hối tiếc: “Cả tôi và chồng đều khỏe mạnh nên khi chuẩn bị cưới không quan tâm đến việc kiểm tra sức khỏe. Đến khi sinh con, chúng tôi mới biết bé bệnh Thalassemia tan máu bẩm sinh”. Đây là bệnh di truyền từ cha mẹ, phải điều trị suốt đời. Trường hợp này, nếu đi khám tiền hôn nhân, bác sĩ sẽ đưa ra khuyến cáo có nên sinh con hay không, nếu sinh con thì cha mẹ phải chuẩn bị những gì để chăm sóc bé.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khám sức khỏe tiền hôn nhân được xem là hình thức sàng lọc bước một trong việc nâng cao chất lượng dân số. Chính vì vậy, trước khi kết hôn khoảng 6 tháng, các cặp đôi nên khám sức khỏe tiền hôn nhân để có thời gian điều trị bệnh (nếu có) dứt điểm và nếu có ý định sinh con ngay sau khi kết hôn thì người phụ nữ cũng phải tiêm ngừa một số bệnh trước 6 tháng để đảm bảo sức khỏe sinh con khỏe mạnh.
HÀ LÊ