Trong những thập niên qua, bệnh hen có xu hướng gia tăng, còn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng bởi diễn tiến âm thầm, thường không được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Theo PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh, nếu triển khai Đơn vị quản lý Hen - COPD trong cộng đồng (Asthma and COPD Outpatient Care Unit - ACOCU), các bệnh nhân sẽ dễ dàng tiếp cận hô hấp ký (đánh giá chức năng thông khí của phổi thông qua thể tích và lưu lượng khí trong quá trình hô hấp - PV), được chẩn đoán và có thuốc điều trị tốt mà không cần phải đi khám tại tuyến cao hơn.
Báo Phú Yên phỏng vấn PGS. TS.BS Lê Thị Tuyết Lan về việc kiểm soát 2 bệnh mãn tính này.
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan |
* Thưa phó giáo sư, việc điều trị các bệnh hô hấp mãn tính có những vấn đề nào cần lưu tâm?
- Ở những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ..., người bệnh tiếp cận với các bác sĩ đã được huấn luyện, tiếp cận với những phương tiện chẩn đoán hiện đại, thuốc men đầy đủ. Tại TP Hồ Chí Minh, việc điều trị bệnh hen và COPD đã được đưa xuống bệnh viện tuyến quận, huyện. Tại đây, bệnh nhân được BHYT chi trả 80% chi phí khám bệnh, xét nghiệm, chụp X-quang, đo hô hấp ký, thuốc men... Đó là một thành tựu rất lớn. Thậm chí, TP Hồ Chí Minh còn muốn đưa xuống tuyến phường, xã. Vừa rồi, chúng tôi đã mở được 2 điểm quản lý bệnh nhân hen và COPD ở tuyến phường.
Kể từ năm 2000, sau khi khởi xướng mô hình ACOCU tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt đầu nhân rộng. Đến thời điểm này, chúng tôi đã nhân ra được 251 đơn vị ở 51 tỉnh, thành trong cả nước. Một số tỉnh đã đưa ACOCU xuống quận, huyện.
Đối với Phú Yên, chúng tôi từng huấn luyện cho nhiều bác sĩ. Hội sẽ hỗ trợ Phú Yên thành lập ACOCU. Tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận rất nhiều bệnh nhân hen từ Phú Yên đến, chưa kể những bệnh lý khác.
* Theo phó giáo sư, cần làm những gì để thành lập ACOCU?
- Thứ nhất là phải có bác sĩ được huấn luyện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và có ít nhất một kỹ thuật viên được huấn luyện về đo hô hấp ký. Tiếp theo là có một bệnh viện đa khoa hoặc bệnh viện phổi và có quyết định cho phép thành lập ACOCU, có thuốc đưa vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả; và chúng ta tiến hành tầm soát bệnh hen, COPD. Hen thì tầm soát từ trẻ em cho tới người lớn, còn COPD thì tầm soát những người từ 40 tuổi trở lên.
Hiện nay, chúng ta có nhiều phương pháp kiểm soát tốt bệnh hen, giúp bệnh nhân có cuộc sống bình thường. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể lên cơn kịch phát và tử vong.
* Việc thành lập ACOCU sẽ mang lại những lợi ích nào, thưa bác sĩ?
- Tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh hen chiếm khoảng 4,2% dân số, mắc COPD chiếm khoảng 4,1% dân số. Có ACOCU, cơ hội tiếp cận điều trị bệnh hen, COPD tăng lên. Các bệnh nhân dễ dàng tiếp cận hô hấp ký, được chẩn đoán và có thuốc điều trị tốt mà không cần phải đi khám tại tuyến cao hơn, qua đó giảm áp lực về lượt khám cho tuyến trên cũng như mức độ nguy kịch của bệnh do đợt cấp gây ra, giảm gánh nặng về kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội. Bệnh nhân yên ổn chung sống với các bệnh mãn tính này.
* COPD được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng. Theo phó giáo sư, phải làm gì để ngăn ngừa tác hại của căn bệnh nguy hiểm này?
- Điều quan trọng nhất và khó khăn nhất là ngừng hút thuốc. Có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc COPD nếu tránh hút thuốc lá, thuốc lào. Thứ hai là phát hiện sớm. Vì COPD là bệnh âm thầm, người ta nghĩ rằng “chắc tôi lớn tuổi rồi nên khó thở, chắc tôi hút thuốc nên bị ho” mà không biết là bệnh đã bắt đầu. Cho nên thường thì bệnh COPD được phát hiện rất muộn. Bệnh nhân lên cơn cấp, đến bệnh viện cấp cứu, lúc đó mới phát hiện ra. Trong khi đó, chỉ cần có một cái máy đơn giản là hô hấp ký thì chúng ta đã có thể phát hiện COPD sớm.
* Xin cảm ơn phó giáo sư!
YÊN LAN (thực hiện)