Nuốt phải dị vật là tai nạn thường gặp. Theo bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, khi mắc dị vật thực quản, hãy cố khạc ra; nếu dị vật không văng ra thì phải đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng; tuyệt đối không dùng cơm, rau... nuốt, như vậy sẽ nguy hiểm, đặc biệt là trong trường hợp mắc xương. Vì khi cố nuốt vào thì xương có thể găm vô thành thực quản, gây áp xe thực quản.
Đồng xu trong thực quản bé trai 31 tháng tuổi, trước khi được lấy ra. Nguồn: BVĐKPY |
Tai nạn bất ngờ
Ăn bữa cơm chiều vội vàng để kịp giải quyết công việc, chị L.T.P (36 tuổi, ở phường 1, TP Tuy Hòa) bị xương cá mắc vào cổ. Khạc đến đỏ bừng mặt mũi nhưng không ăn thua, bên trong cổ vẫn cộm và nhói mỗi khi nuốt, rất khó chịu. Chợt nhớ hồi trước, ở quê, bà con cho rằng khi bị mắc xương, có thể... nhờ người đẻ ngược (sinh ngôi ngược) vuốt, chị P bèn thử xem sao. Điểm lại những người thân quen, chị tìm được người cần tìm bèn tức tốc chạy đến nhà, nhờ... vuốt cổ. Người bạn giúp rất nhiệt tình, vuốt cổ chị nhiều lần, mỗi lần 9 cái, lần sau mạnh hơn, quyết liệt hơn lần trước. Một lúc sau, chị P cảm thấy một vùng da cổ nóng bừng, đau rát, còn cái xương cá thì vẫn... cố thủ ở bên trong.
Sáng hôm sau, chị P đến phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng. Sau khi dùng thiết bị soi, bác sĩ nhanh chóng phát hiện cái xương cá nhỏ găm tít trong cổ họng. Và chỉ vài phút sau, xương cá được gắp ra ngoài. Chị P thở phào nhẹ nhõm, rối rít cảm ơn bác sĩ. Thoát khỏi cái xương tai ác, nhưng chị còn phải chờ vùng da cổ - nơi đang bị tổn thương do người bạn vuốt mạnh tay - hồi phục. Đây là một bài học cho chị P.
Mắc dị vật thực quản là tai nạn thường gặp ở người lớn lẫn trẻ em. Theo BSCKI Trần Văn Tín - Phó phụ trách Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, mỗi năm khoa xử trí khoảng 30 trường hợp mắc dị vật thực quản. Người lớn thường bị mắc xương (cá, gà, vịt) do ăn vội, bất cẩn. Riêng ở người cao tuổi, răng bị hỏng nhiều, khi ăn không thể nhai kỹ, thì chỉ một mẩu bánh tráng, miếng thịt gà hay “cục chì” trong trứng vịt lộn cũng có thể mắc tại thực quản.
Trẻ em mắc dị vật thực quản thường là do ngậm đồ vật, đồ chơi rồi vô tình nuốt. Cuối tháng 3 vừa qua, ê kíp thủ thuật Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cùng ê kíp gây mê đã tiến hành nội soi lấy dị vật (đồng xu) trong thực quản bé trai 31 tháng tuổi (trú xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai). Trước đó không lâu, ê kíp thầy thuốc tại bệnh viện này cũng đã nội soi lấy dị vật (đồ chơi bằng nhựa) mắc trong thực quản một bé gái ở Tây Hòa.
Bác sĩ Tín cho biết: “Dị vật vô thực quản gây cảm giác rất khó chịu nhưng không nguy hiểm như khi dị vật vô đường thở. Dị vật nếu vô đường thở, nạn nhân có thể tử vong do ngạt thở cấp”.
Nhanh chóng khám chuyên khoa
Bác sĩ Tín đưa ra lời khuyên: “Khi mắc dị vật thực quản, hãy cố khạc ra; nếu dị vật không văng ra thì phải đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng; tuyệt đối không dùng cơm, rau... nuốt, như vậy sẽ nguy hiểm, đặc biệt là trong trường hợp mắc xương. Vì khi cố nuốt vào thì xương có thể găm vô thành thực quản, gây áp xe thực quản”.
Về chuyện nhờ những người sinh ngôi ngược vuốt cổ, bác sĩ Tín nói: “Làm sao mà vuốt được? Nếu mắc xương dăm nhỏ như cọng tóc thì không vuốt nó cũng có thể trôi, còn nếu mắc xương lớn, có vuốt mấy cũng không hết được. Nhiều người bị mắc xương, ở nhà vuốt 4-5 ngày, đến khi đau quá mới tới bệnh viện thì đã bị áp xe thực quản, rất nguy hiểm”.
Trường hợp trẻ em mắc dị vật đường thở, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để cấp cứu, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí tử vong. Nếu trẻ có dấu hiệu khó thở, tím tái, không khóc được..., lập tức gọi cấp cứu, gọi người hỗ trợ, đồng thời tiến hành sơ cứu: Bế dốc ngược đứa trẻ và dùng tay vỗ vào lưng trẻ, tạo áp lực đẩy dị vật văng ra khỏi đường thở. Và lưu ý là trẻ phải được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu chậm trễ, trẻ có thể tử vong.
Để không mắc dị vật, mọi người cần cẩn thận khi ăn uống, không nên ăn vội vàng, nói chuyện, cười đùa trong lúc ăn. Với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, cần để tránh xa tầm tay trẻ các đồ vật mà trẻ có thể ngậm và nuốt; chỉ cho trẻ chơi những đồ chơi mà trẻ không thể nuốt được.
YÊN LAN