Phú Yên vừa đi qua năm chu kỳ dịch sốt xuất huyết (SXH). Tuy nhiên, con số 6 ổ dịch với gần 230 ca mắc được ghi nhận từ đầu năm đến giữa tháng 2, trong đó có 1 ca tử vong chính là lời cảnh báo chúng ta không được phép chủ quan, coi thường dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Phun hóa chất diệt muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: YÊN LAN |
Kết cục đau lòng
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (Phú Yên CDC), một bé gái 9 tuổi, ở phường Hòa Hiệp Bắc (TX Đông Hòa) vừa tử vong do SXH. Gia đình bệnh nhi phát hiện bé có triệu chứng sốt vào ngày 6/2, điều trị tại nhà đến ngày 8/2. Sau đó, cháu bé được đưa đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên với những dấu hiệu cảnh báo SXH nặng. Bệnh diễn tiến nhanh. Ngày 11/2, cháu bé tử vong.
Đây là trường hợp tử vong thứ hai ở Hòa Hiệp Bắc do SXH trong 2 năm liên tiếp. Năm 2022, một cháu bé 11 tuổi mắc SXH, gia đình điều trị tại nhà trong 3 ngày, khi bệnh diễn tiến nặng, cháu bé được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốc SXH, suy gan cấp. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhi bị tái sốc SXH, suy đa tạng không hồi phục và tử vong.
Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, bệnh SXH trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3-7 kể từ khi khởi phát, lúc đó bệnh nhân có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Ở giai đoạn này, SXH có thể có những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh, đặc biệt là trẻ em, như: thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc (choáng) SXH; xuất huyết nặng; chảy máu cam nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng; đông máu rải rác trong lòng mạch (do xuất huyết nặng); suy gan cấp, suy thận cấp, suy đa tạng, viêm cơ tim, suy tim...
BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Phú Yên CDC, cho biết: Thông thường, khi mắc SXH, bệnh nhân chỉ cần được theo dõi, điều trị triệu chứng, nâng thể trạng trong vòng 7-10 ngày thì ổn. Nhưng có một điều mà bà con không biết, hoặc đã được cảnh báo nhưng vẫn bỏ qua, là bệnh SXH diễn tiến nặng rất đột ngột và rất nhanh, khó lường. Chính vì vậy, ngay cả những bác sĩ kỳ cựu trong nghề, khi gặp bệnh nhân SXH đến khám tại phòng khám tư nhân thì đều yêu cầu họ đến bệnh viện để được theo dõi chứ không điều trị tại phòng khám. Vì bác sĩ biết rằng SXH rất khó lường.
Virus Dengue truyền bệnh SXH có 4 tuýp: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4, trong đó tuýp DEN-2 có độc lực cao, dễ gây sốc SXH dẫn đến tử vong. Người nhiễm virus tuýp nào thì cơ thể miễn dịch với tuýp đó, không có miễn dịch chéo. Như vậy, sau khi mắc SXH, một người vẫn có thể mắc SXH thêm 3 lần nữa, với 3 tuýp khác, và lần mắc sau sẽ nặng hơn lần trước. Bác sĩ Biện Ngọc Tân trăn trở: “Điều đáng lo ngại là người dân chủ quan, coi thường SXH. Khi người thân bị sốt cao, nhất là trẻ em, thì vẫn để ở nhà và tự điều trị, đến lúc bệnh diễn tiến nặng mới đưa tới bệnh viện. Khi đó, bệnh nhân đã ở giai đoạn tiền choáng hoặc choáng SXH, rất khó cứu chữa”.
Tích cực diệt bọ gậy, diệt muỗi để phòng bệnh
Theo thông tin từ Phú Yên CDC, từ đầu năm 2023 đến ngày 12/2, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 6 ổ dịch SXH, với 227 ca bệnh ghi nhận được. Số ca mắc tập trung nhiều ở các địa phương: Tây Hòa (47 ca), TP Tuy Hòa (42 ca), Tuy An (33 ca)... Năm vừa qua là năm chu kỳ dịch XSH trên địa bàn tỉnh, “đuôi” dịch kéo qua quý I/2023. Nếu khống chế không hiệu quả thì tình hình dịch bệnh SXH sẽ còn phức tạp.
Phú Yên CDC đã đề nghị các địa phương triển khai tổng vệ sinh diệt bọ gậy, phun hóa chất chủ động ở những xã, phường trọng điểm về SXH và những xã, phường có nhiều ca bệnh, nhiều ổ dịch; tăng cường công tác giám sát dịch tễ để phát hiện sớm ca bệnh, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; khống chế số ca mắc và hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do SXH.
Đến nay, thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh SXH, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu SXH, chỉ điều trị triệu chứng. Cách phòng bệnh tốt nhất là tích cực diệt bọ gậy, diệt muỗi và phòng tránh bị muỗi đốt. Bác sĩ Biện Ngọc Tân nhấn mạnh: “Biện pháp chính, hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất, đơn giản nhất trong phòng chống SXH là diệt bọ gậy. Người dân cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm các ổ bọ gậy và xử lý triệt để, không cho chúng phát triển thành muỗi trưởng thành và truyền bệnh. Phú Yên là địa phương trong vùng lưu hành dịch SXH nhưng người dân vẫn có tư tưởng chủ quan, coi thường SXH, chưa tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh”.
SXH có các triệu chứng: Sốt cao đột ngột, khó hạ sốt; đau nhức toàn thân; đau nhức 2 hố mắt...; có thể có cảm giác buồn nôn, nôn; xuất huyết trên da. Có thể nhận biết dấu hiệu xuất huyết trên da bằng dấu dây thắt: Lấy dây buộc có giới hạn ngang cánh tay trong vòng 5-7 phút, nếu mắc SXH thì trên da sẽ xuất hiện những chấm đỏ, và khi căng da ra thì những chấm này không mất đi. Khi nghi ngờ mắc SXH, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi; không tự điều trị tại nhà.
BSCKI Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên |
YÊN LAN