Bệnh phong tiến triển lâu dài, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây khuyết tật nặng nề. Chính những khuyết tật này làm cho người ta sợ hãi và xa lánh người bệnh.
Hình ảnh lâm sàng của bệnh phong rất đa dạng, tổn thương có thể ở da, biểu hiện bằng các dát, sẩn, củ trên da hay co rút thần kinh gây co quắp chi, thậm chí gây rụng các ngón tay, chân, biến dạng chi, tàn phế.
Trước đây, bệnh nhân phong gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do sự hiểu biết chưa đầy đủ về căn bệnh này; người bệnh không được điều trị lại bị sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Nhiều bệnh nhân phong trải qua thời gian dài sống trong hiu quạnh, cô đơn... Vài chục năm gần đây, khi khoa học đã hiểu nhiều về căn bệnh nhiễm trùng có khả năng lây nhiễm thấp, dễ dàng điều trị với kháng sinh... thì sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh cũng cải thiện nhiều so với trước đây.
Với mục đích làm cho mọi người trên toàn thế giới nâng cao nhận thức về bệnh phong, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, giúp người bệnh hòa nhập cộng đồng và tiến tới loại trừ bệnh phong, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 1 hàng năm làm ngày Thế giới phòng chống bệnh phong. Ngày Thế giới phòng chống bệnh phong năm nay (29/1) có chủ đề “Hãy hành động. Kết thúc bệnh phong” (Act Now. End Leprosy) với 3 thông điệp cơ bản: Loại trừ bệnh phong là có thể, hành động ngay và đạt được những điều chưa đạt được. Từ đó, WHO chia sẻ với các quốc gia trên thế giới những chi tiết then chốt để ngăn chặn và loại trừ bệnh phong.
Tại Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, trong những năm qua, hoạt động phòng chống bệnh phong được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị nên số ca bệnh mới giảm rõ rệt; tỉ lệ bệnh nhân bị khuyết tật giảm mạnh nhờ công tác khám, phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Số bệnh nhân bị khuyết tật trước đây được hỗ trợ, điều trị giảm tác hại tốt nên tỉ lệ tái hòa nhập cộng đồng cao.
Để đạt mục tiêu loại trừ hoàn toàn bệnh phong đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của cơ quan chuyên môn mà của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội. Đồng thời cần tiếp tục truyền thông giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức để mọi người hiểu rõ về bệnh phong; vệ sinh môi trường; ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Khi có triệu chứng nghi ngờ, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bị khuyết tật.
BS NGUYỄN VINH QUANG