Tết cổ truyền đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) càng được quan tâm, chú trọng.
Báo Phú Yên phỏng vấn ThS Lê Sỹ Kim, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Phú Yên về công tác bảo đảm ATTP trong mùa tết.
Ông Lê Sỹ Kim |
* Thưa ông, sắp đến tết cổ truyền, việc cung cấp - tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Chi cục ATVSTP Phú Yên làm những gì để góp phần bảo đảm ATTP?
- Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 có thời gian nghỉ dài ngày, đồng thời sau tết là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham dự. Tết Nguyên đán cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã gia tăng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này, thời tiết giao mùa, ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng ATTP.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về công tác bảo đảm ATTP tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023, Chi cục ATVSTP đã tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Phú Yên ban hành kế hoạch bảo đảm ATTP tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch được triển khai từ ngày 19/12/2022 đến hết ngày 10/3/2023 trên phạm vi toàn tỉnh. Mục tiêu nhằm bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội xuân 2023; hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Đoàn liên ngành và các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra từ cấp tỉnh đến cấp xã/phường, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân; đảm bảo ATTP trong phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
* Hoạt động kiểm tra, giám sát được tiến hành như thế nào để có thể phát huy tác dụng, tránh tình trạng các nhà cung cấp, chế biến, kinh doanh... thực phẩm đối phó với đoàn kiểm tra, thưa ông?
- Chi cục ATVSTP đã tham mưu Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Phú Yên thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra có trọng tâm trọng điểm những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm do cấp tỉnh quản lý. Tại các địa phương, căn cứ kế hoạch bảo đảm ATTP tết Nguyên đán Quý Mão - mùa lễ hội xuân 2023 và các văn bản hướng dẫn liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cho ban chỉ đạo liên ngành địa phương mình về ATTP, xây dựng kế hoạch kiểm tra, triển khai từ tuyến huyện đến tuyến xã...
Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát; bánh kẹo, mứt; rau, củ, quả; phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Hoạt động kiểm tra chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm ATTP.
* Ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng về việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm - đặc biệt là thực phẩm trong mùa tết?
- Để đảm bảo ATTP trong dịp tết Nguyên đán sắp đến, khi mua rau củ quả, bà con nên lựa chọn loại còn tươi, nguyên cuống, không dập nát, không có những đốm màu lạ hoặc khác nhau. Những loại rau quả mà người trồng ít sử dụng thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối…, thận trọng với rau muống, rau ngót, xà lách, rau cải các loại. Tốt nhất là mùa nào dùng rau đó thì sẽ ít nguy cơ hơn từ các loại hóa chất bảo vệ thực vật. Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường.
Đối với thịt, bà con nên chọn loại có màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, khô; tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, màng ngoài nhớt; tránh các loại thịt có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh. Với thịt chế biến sẵn như thịt quay, giò, chả, bà con phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở có ghi nguồn gốc rõ ràng, quầy bán đảm bảo vệ sinh. Không nên mua nếu sản phẩm không được bảo quản trong tủ che đậy kín, hoặc có màu sắc lòe loẹt, có mùi lạ.
Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; nên mua thực phẩm ở các quầy, cửa hàng, siêu thị có uy tín. Không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ về địa chỉ công ty/doanh nghiệp sản xuất; không mua sản phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng, bao bì sản phẩm bị phồng, dị dạng, không in rõ ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng.
Không uống cồn công nghiệp; không lạm dụng rượu, bia trong ngày tết; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng; không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia.
* Xin cảm ơn ông!
Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát; bánh kẹo, mứt; rau củ quả; phụ gia thực phẩm... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
ThS Lê Sỹ Kim, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Phú Yên |
YÊN LAN (thực hiện)