Thứ Bảy, 23/11/2024 07:38 SA
Tâm lý chủ quan: Yếu tố nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết
Thứ Hai, 28/11/2022 11:00 SA

Phát tờ rơi truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại TP Tuy Hòa. Ảnh: YÊN LAN

“COVID-19 chưa sợ, sợ gì sốt xuất huyết (SXH)”. Đó là tâm lý của không ít người dân sau khi Việt Nam nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 thành công. Nhiều người cho rằng nguy hiểm như đại dịch COVID-19 mà cũng đã vượt qua, vậy thì có dịch bệnh nào đáng sợ hơn nữa! Chính tâm lý này dẫn đến tình trạng chủ quan, lơ là, triển khai không triệt để các biện pháp phòng dịch bệnh nói chung, SXH nói riêng.

 

SXH là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành qua vết đốt của muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn). SXH gây dịch đầu tiên từ những năm 60 của thế kỷ trước, chủ yếu ở châu Á và châu Phi. Dần dần, dịch đang có xu hướng lan rộng sang nhiều châu lục khác.

 

Chưa có vắc xin phòng bệnh

 

Virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh là I, II, III và IV. Trước đây chỉ có hai trong bốn tuýp đó gây bệnh, nhưng hiện nay cả bốn tuýp đều gây bệnh ở mọi lứa tuổi. Điều này lý giải tại sao có người đã mắc bệnh rồi, vài tháng sau lại mắc, có khi trong 1 năm bị SXH hai, ba lần. Đáng nói là dù SXH đã tồn tại hơn 70 năm nhưng đến nay nhân loại vẫn chưa có vắc xin để phòng bệnh. Vì vậy, phòng SXH hoàn toàn mang tính thụ động, đòi hỏi người dân phải thực hiện tốt mới không để dịch bệnh bùng phát.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 314.000 trường hợp mắc SXH, 115 trường hợp tử vong. Trong những tháng gần đây, số ca mắc SXH tiếp tục gia tăng trong cả nước, đặc biệt là tại miền Bắc và miền Trung. Tại Phú Yên, số ca mắc tăng gấp 5,1 lần so với cùng kỳ năm 2021, tăng ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố và đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

 

Những con số trên cho thấy tình hình SXH tại Việt Nam diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng số mắc, số ca bệnh nặng và cả tử vong. Do đó cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nếu không nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là không hề nhỏ trong thời gian tới.

 

Phân tích dịch tễ học cho thấy dịch SXH thường đạt đỉnh vào tháng 10, 11 hàng năm do điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes phát triển. Hơn nữa vào những tháng này, do mưa nhiều, kéo dài, độ ẩm cao nên việc tổng vệ sinh diệt lăng quăng (bọ gậy) gặp khó khăn.

 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn hết là tâm lý của người dân hiện nay. Sau khi cả nước khống chế được COVID-19, không ít người đã có phần lơ là, chủ quan, coi thường các dịch bệnh khác nên không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống SXH.

 

Triển khai ngay chiến dịch diệt bọ gậy

 

Mới đây, Bộ Y tế có công điện đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH. Bộ đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền chỉ đạo và huy động các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai ngay chiến dịch diệt bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy. Ngành Y tế giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương; tổ chức phun hóa chất 100% hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch; xác định khu vực có nguy cơ cao để phun hóa chất diệt muỗi chủ động.

 

Thế giới vẫn chưa có vắc xin để phòng bệnh SXH. Vì vậy, mọi người cần thực hiện tốt các hoạt động như vệ sinh môi trường mỗi tuần một lần; đổ nước trong các bồn hoa, chậu cảnh, thau rửa, lu vại..., không để nước tồn đọng; loại bỏ các vật dụng phế thải có thể đọng nước khi trời mưa; diệt muỗi trưởng thành bằng thuốc diệt muỗi, vợt muỗi, có thể dùng nhang xua muỗi để xua muỗi; không để muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn, dù là ban ngày, mặc áo quần dài tay để tránh muỗi đốt. Khi sốt, cơ thể nhức mỏi, đau đầu, đau cơ..., bà con hãy đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

 

Người dân hãy tích cực vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, bởi không có bọ gậy thì không có SXH. 

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek