Theo tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì” vừa được Bộ Y tế ban hành, béo phì (tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường) là một căn bệnh làm tăng gánh nặng về kinh tế xã hội do tăng nguy cơ mắc các bệnh đi kèm liên quan. Việc quản lý được béo phì là đa yếu tố, các phương pháp điều trị béo phì bao gồm các can thiệp toàn diện về lối sống như liệu pháp dinh dưỡng, hoạt động thể chất, liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc.
Béo phì gây ra các vấn đề trầm trọng đến sức khỏe, là thủ phạm gây hơn 200 bệnh khác nhau, như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ và nhiều bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa…
Tại Việt Nam, tỉ lệ béo phì đang gia tăng nhanh, khi lối sống của người Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây như ít vận động hơn, trong chế độ ăn có nhiều muối, ăn nhiều thức ăn ăn liền, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau và hải sản. Đáng lưu ý là tỉ lệ thừa cân, béo phì ở tuổi học đường tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020, trong đó tỉ lệ thừa cân béo phì ở khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.
Theo tài liệu chuyên môn này, việc quản lý và điều trị béo phì không chỉ là giảm cân đơn thuần, mà còn cần giảm nguy cơ các biến chứng và cải thiện sức khỏe. Người bệnh cần được theo dõi và tái khám thường xuyên nhằm ngăn ngừa tăng cân trở lại, đồng thời theo dõi nguy cơ bệnh tật cũng như điều trị các bệnh đồng mắc nếu xuất hiện.
QUỲNH NHƯ