Thứ Bảy, 21/09/2024 16:42 CH
Vận động thể lực đều đặn: Biện pháp tiết kiệm chi phí y tế hiệu quả nhất
Thứ Hai, 21/11/2022 10:22 SA

Vận động thể lực đem lại lợi ích to lớn không chỉ cho sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe tâm thần của từng cá nhân cũng như cho xã hội.

 

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/10/2022 có nội dung đặc biệt, thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới. Báo cáo có tiêu đề High cost of physical inactivity (tạm dịch Chi phí cao do lười vận động thể lực). Nội dung báo cáo cho thấy: Gần 500 triệu người sẽ bị mắc các bệnh lý về tim, béo phì, đái tháo đường và các bệnh không lây nhiễm khác có thể do lười vận động thể lực trong giai đoạn từ 2020-2030.

 

Chi phí cho điều trị các bệnh lý này lên tới 27 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, nếu các chính phủ không khẩn cấp khuyến cáo người dân của họ tăng cường vận động thể lực.

 

WHO khuyến cáo cần có nhiều hơn nữa những quốc gia tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ người dân tăng cường hoạt động thể lực như đi bộ, đạp xe đạp, thể thao hoặc các hoạt động thể lực khác.

 

Kế hoạch toàn cầu của WHO về hoạt động thể lực giai đoạn 2018- 2030 đưa ra mục tiêu xây dựng được 20 chính sách khuyến khích vận động thể lực an toàn, cụ thể như: Xây dựng hệ thống đường giao thông an toàn, khuyến khích hoạt động vận tải an toàn, cung cấp các chương trình và cơ hội cho các hoạt động thể lực tập trung vào chăm sóc trẻ em, xây dựng trường học, chăm sóc sức khỏe ban đầu và cải thiện môi trường làm việc, giáo dục thể chất trong trường học...

 

Tại Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, trong những năm gần đây, hoạt động thể lực đã được quan tâm nhiều hơn trước. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, hoạt động thể lực của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở giới trẻ. Gánh nặng cơm áo gạo tiền làm cho nhiều người làm việc không kể giờ giấc. Tỉ lệ người thừa cân béo phì tăng khá nhanh trong lứa tuổi thanh niên, trung niên. Tỉ lệ người già bị các bệnh không lây nhiễm tăng khá nhanh, đã và đang là thách thức cho dịch vụ y tế, làm tăng chi phí y tế của từng người dân và của cộng đồng xã hội.

 

Nhiều nghiên cứu y tế chứng minh chi phí cho hoạt động dự phòng chỉ bằng 1/4 so với chi phí điều trị. Hơn nữa, các bệnh lý không lây nhiễm đòi hỏi quá trình chăm sóc kéo dài, chi phí cao nên gánh nặng chăm sóc các bệnh này chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng chi phí y tế. Phòng ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm cần có sự phối hợp 3 yếu tố cơ bản: Chế độ ăn, vận động thể lực và thuốc. Trong 3 yếu tố này thì chế độ ăn, vận động thể lực vô cùng quan trọng. Nhiều bệnh không lây nhiễm ở giai đoạn đầu chỉ cần có chế độ ăn hợp lý cùng với vận động thể lực là đủ để ngăn ngừa tiến triển cũng như biến chứng.

 

Với tầm quan trọng của vận động thể lực trong phòng chống bệnh tật nói chung, các bệnh không lây nhiễm nói riêng, WHO khuyến cáo mỗi người dân cần tập thể dục, thể thao mỗi ngày 30-45 phút đều đặn các ngày trong tuần. Nhiều quốc gia tập trung đầu tư các phương tiện, điều kiện để người dân thuận lợi trong tập luyện thể dục, thể thao. Nhiều công trình giao thông, công trình phúc lợi xã hội, các cơ sở sản xuất, nhà máy, công xưởng, trường học, bệnh viện... chú trọng sao cho mọi người có điều kiện tốt nhất để vận động thể lực hợp lý.

 

BS NGUYỄNx VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek