Thứ Năm, 10/10/2024 12:24 CH
Tiêm phòng sởi
Thứ Ba, 22/07/2008 07:03 SA

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi có cháu nhỏ, lúc 9 tháng đã tiêm phòng sởi, nhưng khi 3 tuổi cháu lại bị lên ban sởi. Bây giờ cháu 5 tuổi, định tiêm loại vắc-xin phòng 3 bệnh sởi-quai bị-rubella, như vậy có ảnh hưởng gì không. Tại sao tiêm phòng rồi vẫn còn bị ban sởi? (Nguyễn Thị Quỳnh Anh, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa)

 

Đáp:  Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em, bệnh do vi-rút sởi gây nên, lây truyền qua đường hô hấp (do hít phải vi-rút trong không khí, bắn ra từ  trẻ bệnh khi ho, hắt hơi). Bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, suy dinh dưỡng, viêm thần kinh, dễ tử vong. Vì vậy, sởi là một trong 6 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được tiêm phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

 

Lịch tiêm phòng sởi được chỉ định cho trẻ từ 9 -11 tháng tuổi và chỉ tiêm 1 lần. Quy định như vậy là căn cứ trên đặc điểm sinh lý bệnh của bệnh sởi. Mỗi người chỉ mắc bệnh sởi một lần, có khi mắc bệnh nhẹ hoặc chỉ nhiễm trùng nhưng không  phát bệnh. Dù mắc bệnh ở mức độ nào sau đó cũng được miễn dịch suốt đời, tức là trong cơ thể có tạo ra kháng thể chống bệnh sởi suốt đời. Ở người mẹ, kháng thể này được truyền cho bào thai và đứa bé sinh ra cũng được miễn dịch trong những tháng đầu đời. Khả năng chống đỡ này ở đứa bé, được gọi là miễn dịch thụ động, sẽ giảm dần và đến khoảng tháng thứ  9 hầu như không còn, đây chính là thời điểm chỉ định tiêm phòng vắc-xin sởi.

 

Tuy nhiên, không có loại vắc-xin nào có thể tạo được đáp ứng miễn dịch (tức tạo khả năng bảo vệ cơ thể) 100%. Vắc-xin sởi cũng vậy, hiệu quả bảo vệ theo tính toán khoảng 95%, tức cứ 100 trẻ được tiêm phòng sẽ có khoảng 5 trẻ không có tác dụng. Loại trừ nguyên nhân vắc-xin không đảm bảo chất lượng, thì việc không tạo được tác dụng phòng ngừa ở một số trẻ là do đặc điểm miễn dịch của từng cá thể. Việc tiêm phòng sởi rộng rãi cho tất cả trẻ em từ nhiều năm nay đã làm giảm tỉ lệ mắc bệnh cũng như tỉ lệ tử vong do sởi ở trẻ em xuống rất nhiều.

 

Cháu của chị có thể nằm trong số trường hợp nhỏ trên. Còn một điểm cần lưu ý khác, ở trẻ em có một số bệnh nhiễm trùng khác có thể gây nổi ban như sởi nên dễ chẩn đoán nhầm là sởi (các bệnh ban này thường nhẹ hơn sởi), bệnh rubella cũng gây nổi ban như sởi.

 

Một điều chưa được giải thích rõ nhưng cũng được ghi nhận là ở những trẻ có tiêm phòng sởi nếu có bị mắc sởi thì bệnh thường nhẹ hơn, ít biến chứng hơn.

 

Để nâng cao hiệu quả phòng bệnh sởi, thời gian qua, chương trình tiêm chủng mở rộng có tổ chức tiêm phòng sởi  lại cho tất cả trẻ dưới 5 tuổi. Việc tiêm phòng lại vắc-xin sởi hoặc vắc-xin kết hợp không có ảnh hưởng gì, chỉ giúp tăng cường hiệu quả bảo vệ của vắc-xin.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek