Sự thất thường của thời tiết làm thay đổi nhiều yếu tố tác động đến sinh trưởng và phát triển của sinh vật, từ đó làm gia tăng các yếu tố gây bệnh; nhiều bệnh bùng phát thành dịch.
Các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh do sự thay đổi của thời tiết như sốt xuất huyết (SXH), sốt rét, tả, lỵ, thương hàn,... Vì vậy, dự báo đúng để từ đó triển khai các biện pháp phòng bệnh có ý nghĩa rất lớn trong phòng, khống chế và dập tắt dịch bệnh.
Sốt xuất huyết: Từ đầu năm đến nay, dịch SXH đã xảy ra tại nhiều địa phương trong nước, với hàng chục ngàn người mắc, có trường hợp tử vong. Số liệu thống kê cho thấy, Phú Yên là tỉnh có số ca mắc cao nhất trong 10 tỉnh thành có số ca bệnh cao.
Diễn biến của thời tiết như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn (muỗi Aedes) - trung gian truyền bệnh SXH - phát triển mạnh. Qua các đợt mưa, các vật dụng có thể chứa nước như bồn hoa, chậu cảnh, lốp xe, chai lọ…, nhất là ở nơi công cộng chưa được xử lý hết, đợt mưa mới lại chứa nước làm cho muỗi phát triển, trong đó có muỗi Aedes.
Sốt rét: Đây là bệnh do ký sinh trùng sốt rét lây từ người bệnh sang người lành qua vết đốt của muỗi Anophen, ký sinh trùng sốt rét vào máu phát triển gây bệnh. Bệnh có đặc điểm ớn lạnh, lạnh run, sốt cao, vã mồ hôi kèm theo nhiều triệu chứng như nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, đau cơ, thiếu máu, có khi hôn mê (tùy theo trình trạng bệnh). Đây là bệnh truyền nhiễm gây dịch hết sức nguy hiểm.
Trước đây, bệnh thường xảy ra ở miền núi (vùng lưu hành của sốt rét) nhưng gần đây, một số người đi làm ăn ở những vùng có sốt rét lưu hành mang mầm bệnh về sau đó có triệu chứng bệnh... Nhiều trường hợp không khai thác kỹ yếu tố dịch tễ nên bỏ sót ca bệnh.
Lỵ trực khuẩn Shigella: Shigella là một bệnh nhiễm trùng đại tràng, đặc biệt là phần trực tràng của đại tràng. Bệnh nhân bị Shigella thường xuất hiện sốt cao, đau quặn bụng và tiêu chảy ra máu, nhầy.
Tiêu chảy cấp: Vào mùa mưa, nhất là mưa kéo dài làm cho thực phẩm, thức ăn dễ bị ô nhiễm, nhanh hỏng, đặc biệt là nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ gây nên bệnh tiêu chảy. Nhiều bệnh lý tiêu chảy gây thành dịch như tả, thương hàn nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Bệnh Whitmore: Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra, được bác sĩ Afred Whitmore mô tả đầu tiên vào năm 1912 tại Miến Điện, từ đó được đặt tên là bệnh Whitmore.
Đặc điểm dịch tễ của vi khuẩn Burkholderia Pseudomalei là sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là trong bùn. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người qua vết xây xước trên da hoặc hít phải vi khuẩn qua đường hô hấp khi hít các hạt bụi hoặc hạt nước li ti có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa. Người bị bệnh Whitmore có tỉ lệ tử vong cao, từ 40-60% các trường hợp mắc bệnh. Trường hợp nhiểm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng một tuần kể từ khi nhiễm bệnh.
Khi nhiễm bệnh, các tổ chức có thể bị hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da có thể gây viêm loét hoặc áp xe, ở phổi gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu... Vì vậy ở những vùng ngập lụt nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, người dân cần lưu ý.
Ngoài ra vào mùa mưa có thể có một bệnh lý khác có thể gây thành dịch như viêm kết mạc (đau mắt đỏ), nấm kẽ (nấm kẽ tay, kẽ chân), cúm mùa,... Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dân cư cần thực hiện tốt các biện pháp mà các cơ quan chức năng khuyến cáo như: Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, chủ động diệt côn trùng, diệt muỗi, đổ bọ gậy; giữ thông thoáng nhà cửa; có chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc, không thức quá khuya hay dậy quá sớm làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể; ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng...
BS NGUYỄN VINH QUANG