Trong khói thuốc chứa các chất ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong đó bao gồm chất nhựa hắc ín, 7000 chất độc hóa học như Formaldehyde, Toluene… 69 chất gây ung thư.
Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… Tại Việt Nam, theo một cuộc điều tra toàn cầu được thực hiện ở những người trưởng thành cho thấy, Việt Nam là một trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới.
Khói thuốc lá không chỉ có hại đối với sức khỏe người trực tiếp sử dụng nó mà còn ảnh hưởng đến trẻ em và những người xung quanh, vì khói thuốc lan trong không khí khiến họ cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề…
Mắc các bệnh về đường hô hấp: Trẻ em hít khói thuốc lá thụ động có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh ở cả đường hô hấp trên và dưới. Những triệu chứng điển hình thường gặp của các căn bệnh có liên quan đến phổi là cảm lạnh và cúm, ho, có đờm, khó thở, thở khò khè và viêm phổi. Bên cạnh đó, trẻ còn có khả năng mắc bệnh hen suyễn nếu sống chung với những hút thuốc lá.
Giảm trí thông minh: “Hút thuốc bị động” dài ngày sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực ở trẻ. Theo nghiên cứu khoa học mới nhất, Cotinine là loại vật chất được sản sinh khi Nicotine phân giải, một khi hàm lượng Cotinine trong huyết dịch của trẻ tăng lên thì năng lực đọc hiểu, số học và suy lý của trẻ sẽ giảm xuống.
Khóc quấy: Các bác sĩ của Đức phát hiện: Bố mẹ hút thuốc lâu ngày trong phòng có trẻ nhỏ sẽ làm tăng số lần khóc quấy ở trẻ. Theo kết quả của một cuộc điều tra ở những bố mẹ của 253 trẻ nhỏ cho thấy bố mẹ hút khoảng 10 điếu thuốc lá mỗi ngày thì hiện tượng trẻ khóc quấy trong đêm chiếm đến 45%.
Ngoài việc gây ra những biến chứng phức tạp ở phổi, hút thuốc lá thụ động còn làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và làm tăng mức độ nhạy cảm với các bệnh viêm nhiễm ở não. Trẻ sống chung với người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn gây ra bệnh viêm màng não hơn. Đây là loại vi khuẩn gây hại cho màng não (những tế bào bao phủ xung quanh não).
Đột tử: Khói thuốc lá có thể dẫn đến các chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như hen cấp tính, phổi, bệnh tai giữa, trẻ sinh ra cân nặng thấp…
Kén ăn: Theo nghiên cứu của các học giả Mỹ phát hiện: Nếu bố mẹ hút thuốc trong khi trẻ đang ăn có thể khiến trẻ sinh ra tình trạng tức ngực khó chịu. Khi trẻ liên kết cảm giác tức ngực này với một số thức ăn mình đang dùng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện, dẫn đến trẻ sẽ cự tuyệt một vài loại thức ăn nhất định nào đó.
Sâu răng: Theo một kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Journal of the American Dental Association (JADA - Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ), tiếp xúc thụ động với khói thuốc là làm tăng khả năng bị sâu răng ở trẻ em. Mặc dù vẫn chưa chắc chắn chính xác về mối liên quan giữa việc hút thuốc lá thụ động với tình trạng sâu răng ở trẻ em, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ vẫn còn răng sữa nếu sống chung với người hút thuốc lá sẽ dễ bị sâu răng hơn so với những đứa trẻ không hút thuốc lá thụ động.
Tỉ lệ mắc ung thư ở trẻ cao gấp 1,6-8 lần so với người lớn: Do chức năng giải độc ở cơ thể trẻ thấp hơn rất nhiều so với người trưởng thành cho nên càng dễ nhiễm độc từ khói thuốc lá. Nếu so sánh cùng là đối tượng hút thuốc bị động (tức chỉ hít phải khói thuốc), hàm lượng Cotinine trong huyết dịch của trẻ sẽ cao gấp một lần trở lên so với với lớn.
QUỐC HỘI (tổng hợp)