Kết nối 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa telehealth là một bước tiến lớn của ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên mọi miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, ngày 22/6/2020, Bộ Y tế có Quyết định 2628 phê duyệt đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Đề án có các mục tiêu cụ thể: Xây dựng, phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới khám, chữa bệnh từ xa. Xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân triển khai việc khám, chữa bệnh từ xa. Thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt người dân vùng sâu, xa, khó khăn. Giảm chi phí khám, chữa bệnh, chi phí bảo hiểm y tế và chi phí của người dân.
Bộ Y tế giao Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) triển khai kết nối 1.000 điểm cầu với các bệnh viện tuyến Trung ương. Nền tảng telehealth được triển khai trong thời gian rất ngắn song có những thuận lợi là các chuẩn kết nối để khám chữa bệnh từ xa đã có như DICOM, HL7… Hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế đã tốt lên nhiều trong 5 năm gần đây; tuyến xã đều có ít nhất một đường truyền, một máy tính. Các giải pháp khác để giảm tải bệnh viện tuyến trên đang được triển khai đồng bộ.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Sau 2 tháng triển khai đề án Khám, chữa bệnh từ xa, hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh đã được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hàng tuần, vào thứ 3 và thứ 5, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 2 buổi khám chữa bệnh từ xa telehealth, mỗi buổi hội chẩn trực tuyến từ 8-10 ca bệnh nặng. Sau 5 tháng triển khai, 293 ca bệnh đã được hội chẩn telehealth trong 40 buổi; 162 bệnh viện tham gia kết nối. Sau một tháng triển khai, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức 9 buổi khám chữa bệnh từ xa, 4 buổi tư vấn phòng chống bệnh cho cộng đồng; 343 bệnh viện kết nối; 34 ca bệnh được hội chẩn; 10 khóa đào tạo các chuyên đề phòng chống dịch, hồi sức cấp cứu và nội khoa. Đáng chú ý, vào ngày 11/9/2020, Bệnh viện Bạch Mai đã hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cứu sống bệnh nhân bị sốc phản vệ, ngừng tim gần 60 phút… Có nền tảng telehealth, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sĩ hội chẩn và cứu sống kịp thời, không phải chuyển lên tuyến trên.
Tại Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kết nối và tham dự một số cuộc hội chẩn trực tuyến của Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế. Nếu gặp những ca bệnh phức tạp thì bệnh viện này sẽ đăng ký với bệnh viện tuyến trên và hội chẩn trực tuyến qua nền tảng telehealth. Sắp tới, cơ sở khám chữa bệnh tại hai huyện sẽ được kết nối với các bệnh viện tuyến trên, người dân có thêm cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng.
Kết nối 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa là một sự kiện quan trọng, một bước tiến lớn của ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân. Kết quả này thể hiện tinh thần chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
YÊN LAN