Thời gian qua, trên phạm vi cả nước, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra; có những vụ hàng chục, thậm chí hàng trăm người mắc.
Ngộ độc thực phẩm đe dọa đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong cho người tiêu dùng, ảnh hưởng nhiều đến lao động sản xuất và sinh hoạt. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể là sử dụng thực phẩm có chứa các chất độc hoặc vi sinh vật gây bệnh. Thực phẩm có thể không chứa các chất độc nhưng trong quá trình chế biến đã bị nhiễm độc tố hoặc vi sinh vật từ bên ngoài vào; người sử dụng không đảm bảo vệ sinh cá nhân...
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến thức ăn đường phố và những nguy cơ mất an toàn khi sử dụng.
Không thể phủ nhận lợi ích của thức ăn đường phố, hầu hết là các món phục vụ tại chỗ, ăn nhanh, giá rẻ, phục vụ nhiều đối tượng. Thức ăn đường phố như một nhu cầu tất yếu, thuận tiện cho người tiêu dùng, tạo cơ hội cho nhiều người có công ăn việc làm, tăng thu nhập, giảm tỉ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là vệ sinh an toàn thực phẩm của những thức ăn đồ uống này, và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm là rất cao nếu thức ăn này không đảm bảo vệ sinh.
Tại TP Tuy Hòa, thức ăn đường phố có ở bất kỳ đường phố hay ngõ hẻm nào, thuận lợi cho người tiêu dùng nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất vệ sinh thực phẩm. Các hàng quán, thậm chí xe hàng, xe ba gác đều có thể là nơi cung cấp thức ăn cho khách. Ai dám chắc những người bán thức ăn đường phố kia đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, từ nguyên liệu chính cho tới các loại phẩm màu ướp tẩm, và cả quá trình chế biến thức ăn có đảm bảo vệ sinh hay không…
Chắc chắn hầu hết quá trình chế biến thức ăn như thế này sẽ không đảm bảo vệ sinh theo quy định. Thực phẩm được đựng trong các dụng cụ thiếu che đậy, chỉ cần một luồng gió là cát, bụi bẩn bám vào. Người chế biến hầu như không mang găng tay khi lấy thực phẩm để chế biến. Chưa kể thực phẩm không được lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ cần thiết sẽ nhanh chóng bị phân hủy. Trời nắng nóng rất thuận lợi cho các vi sinh vật (vi trùng, ký sinh trùng...) phát triển, đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng. Khi người bán lẫn người mua đều vô tư, lại thiếu vắng sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, thức ăn đường phố càng ẩn chứa nguy cơ gây tiêu chảy, nặng hơn là ngộ độc.
Để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, người cung cấp - dù là buôn bán nhỏ - rất cần có kiến thức về an toàn thực phẩm. Và trên hết, họ cần có trách nhiệm xã hội trong giữ gìn sức khỏe cho cộng đồng, phải là “người bán hàng có tâm”.
Về phía người tiêu dùng phải hết sức lưu ý khi sử dụng thức ăn đường phố và hãy là “Người tiêu dùng thông thái”.
Các cơ quan chức năng tăng cường truyền thông giáo dục cho người dân về an toàn thực phẩm, kiểm tra giám sát các quán ăn, những người cung cấp thức ăn đường phố; tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân là một giám sát viên về vệ sinh thực phẩm, khi phát hiện sai phạm kiên quyết xử lý theo luật định... Có như vậy chúng ta mới có thể hạn chế được ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
BS NGUYỄN VINH QUANG