Bộ Y tế vừa có hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum, áp dụng cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước và tư nhân trên cả nước.
Theo Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum do các chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra. Bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ với các mức độ khác nhau. Ngộ độc nặng dẫn tới liệt cơ hô hấp, suy hô hấp có thể tử vong. Liệt nặng nề kéo dài dẫn tới nhiều biến chứng.
Theo Bộ Y tế, cách xử trí theo nguyên tắc cấp cứu và hồi sức hô hấp là chính. Để phòng ngộ độc botulinum, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Cần thận trọng với các thực phẩm đóng kín nhưng có mùi, màu sắc thay đổi hoặc có vị thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Với các thực phẩm lên men đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.
NGỌC LAN