Bộ Y tế vừa có Quyết định 3593 “Về việc ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu”. Tài liệu hướng dẫn này được áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Theo y văn, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B, do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố (Corynebacterium diphtheriae) gồm 4 típ sinh học: Gravis, Mitis, Intermedius và Belfanti gây ra. Bệnh bạch hầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sau thời gian ủ bệnh (từ 2-5 ngày), bệnh có biểu hiện lâm sàng: sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỉ lệ tử vong chiếm từ 5-10%.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh bạch hầu nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh bạch hầu quan trọng và hiệu quả nhất.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chính quyền, cơ quan y tế địa phương tuyên truyền cho cộng đồng về bệnh bạch hầu, có kế hoạch chủ động phòng chống bệnh bạch hầu hàng năm. Tăng cường các biện pháp giám sát tại các tuyến, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi nguy cơ cao, tỉ lệ tiêm chủng thấp. Duy trì tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu cao trong cộng đồng theo đúng lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng, đồng thời chuẩn bị vắc xin, vật tư, hóa chất dự phòng khi có dịch xảy ra.
NGỌC LAN