Sau thời gian bùng phát mạnh, hơn một tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh giảm rất đáng kể. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 - năm chu kỳ của dịch SXH, số ca mắc vẫn tăng. Biện pháp phòng chống SXH hữu hiệu nhất vẫn là tổng vệ sinh diệt bọ gậy, vì vậy cần phải duy trì việc này.
Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Sở Y tế đi kiểm tra thực địa việc tổng vệ sinh, diệt bọ gậy tại một nhà dân ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. ẢNH: YÊN LAN |
Bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trước tình hình số ca mắc SXH tăng vọt trong tuần 26-27, Sở Y tế thành lập đoàn kiểm tra gồm lãnh đạo sở, Phòng Nghiệp vụ Y và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh này tại 4 địa phương có số ca mắc tăng cao trong những tháng đầu năm. Ngay sau đó, sở tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động phòng chống SXH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng chủ trì.
Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo của ngành Y tế và các ý kiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống SXH, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp trong việc phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tổ chức những chiến dịch và đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người dân, tuyên truyền vận động bà con tổng vệ sinh, diệt bọ gậy. UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban ngành, đoàn thể đã phối hợp tốt với ngành Y tế trong phòng chống SXH; nhiều chiến dịch tổng vệ sinh, diệt bọ gậy đã được tổ chức tại các địa phương. “Chúng tôi cũng đã xin ý kiến của Viện Pasteur Nha Trang và Cục Y tế dự phòng, tiến hành phun hóa chất trên diện rộng. Phú Yên có 11 xã trọng điểm, việc phun hóa chất được mở rộng thêm 9 xã/phường trên địa bàn tỉnh. Và sau khi điều tra dịch tễ, nếu thấy cần thiết, chúng tôi không chỉ xử lý tại ổ dịch mà xử lý trên diện rộng, cả xã/phường”, bác sĩ Trần Ngọc Dưng cho biết.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đã đi kiểm tra 3 huyện: Tuy An, Đồng Xuân và Sông Hinh, tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Các địa phương đã triển khai tốt việc tổng vệ sinh, diệt bọ gậy.
Biểu đồ theo dõi SXH đến tuần 33/2020. Ảnh: YÊN LAN |
Sau những biện pháp hữu hiệu đó, dịch bệnh SXH đã được khống chế, số ca mắc giảm rất đáng kể. Tuy nhiên, so với năm 2019 - năm chu kỳ của dịch SXH, số ca mắc vẫn tăng. Toàn tỉnh đã ghi nhận 3.982 ca mắc SXH, tăng 11,35% so với cùng kỳ năm 2019. TX Sông Cầu có số ca mắc tăng cao nhất so với cùng kỳ 2019: 50,2%. Huyện Tuy An là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất: 835 ca. Toàn tỉnh hiện có 188 ổ dịch, tăng 25,5% so với năm 2019.
Thời gian này, ở miền núi thường có mưa vào buổi chiều, muỗi Aedes - véc tơ truyền bệnh - có cơ hội sinh sôi, phát triển. Theo bác sĩ Trần Ngọc Dưng, nếu không duy trì chiến dịch tổng vệ sinh, diệt bọ gậy thì người dân sẽ lãng quên; nước mưa sẽ đọng lại trong nhiều vật dụng và muỗi Aedes sẽ lại phát triển. Có nguồn lây thì nhiều khả năng dịch bệnh SXH sẽ bùng phát trở lại. “Biện pháp can thiệp hữu hiệu nhất vẫn là diệt bọ gậy, cho nên phải duy trì việc này. Các địa phương có nhiều ổ dịch, có nguy cơ cao, như thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh; xã An Ninh Đông, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An; xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân… phải duy trì chiến dịch tổng vệ sinh diệt bọ gậy mỗi tuần một lần. Những nơi có số ca mắc ít hơn hoặc chưa có ổ dịch nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, như vùng giáp ranh với vùng có ổ dịch thì duy trì mỗi tháng 2 lần; những vùng khác nên tổ chức tổng vệ sinh, diệt bọ gậy mỗi tháng một lần”, bác sĩ Trần Ngọc Dưng nói.
YÊN LAN