Câu nói của người xưa “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra” quả thật đúng ở bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào. Hầu hết các bệnh lý không lây nhiễm có liên quan đến hành vi cá nhân, trong đó ăn uống đóng vai trò hết sức quan trọng.
Ai cũng phải ăn để duy trì sự sống, để học tập, lao động sản xuất, phát triển cơ thể... Mỗi người, trong từng giai đoạn có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau.
Phần lớn người Việt Nam thường ăn 3 bữa trong ngày, tập trung vào hai bữa chính: trưa và chiều. Cách chia bữa ăn như thế thực sự không tốt cho sức khỏe xét trên phương diện sinh lý. Một nhà dinh dưỡng học phương Tây đã đưa ra khuyến cáo “Ăn sáng như hoàng đế, ăn trưa như hoàng tử, ăn tối như nông dân”. Ngày nay, các nhà y học và sinh lý học đều thống nhất với quan điểm này. Bữa ăn sáng rất quan trọng. Sau thời gian nghỉ ngơi, các cơ quan trong cơ thể đã hoàn toàn phục hồi nên sẽ hoạt động tốt nhất, đồng thời năng lượng còn lại từ bữa ăn trước ở mức tối thiểu, do đó bữa ăn sáng phải đầy đủ năng lượng và dinh dưỡng thì cơ thể mới hoạt động tốt nhất trên mọi phương diện. Buổi trưa cần phải bổ sung năng lượng, chất dinh dưỡng đã tiêu hao, đồng thời chuẩn bị cho hoạt động buổi chiều nên bữa ăn trưa cũng cần đảm bảo về mặt năng lượng và dinh dưỡng. Ngược lại vào buổi tối, sau một ngày lao động đến giai đoạn nghỉ ngơi để các cơ quan trong cơ thể hồi phục, nhu cầu năng lượng ở mức thấp nhất nên buổi tối không ăn quá no, nhiều gây khó tiêu, đầy bụng, mệt mỏi. Tuy nhiên, theo tính toán khoa học trong một ngày ngoài 3 bữa chính và ăn như khuyến cáo trên thì nên ăn nhẹ 2 bữa phụ vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều để đảm bảo cho các cơ quan, bộ phận hoạt động ở mức tốt nhất.
Nước là nhu cầu không thể thiếu. Người ta có thể nhịn ăn 7-10 ngày thậm chí lâu hơn nhưng không thể thiếu nước quá 3 ngày, vì thiếu nước các chuyển hóa trong cơ thể đã bị rối loạn dẫn đến cơ thể nhiễm độc và sẽ tử vong. Nhu cầu nước của mỗi người khác nhau tùy theo tuổi, cân nặng và nhiệt độ môi trường. Nói chung, mỗi người cần từ 2-3 lít nước mỗi ngày. Tuy nhiên uống nước cũng nên lưu ý để có lợi cho sức khỏe, không nên uống một lần quá nhiều, mỗi lần uống cách nhau quá xa; không nên vừa ăn vừa uống vì sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn. Không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ vì sẽ gây tiểu đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ và giấc ngủ không sâu.
Ngủ đủ giấc hết sức quan trọng đối với sức khỏe. Mỗi ngày mỗi người cần 1/3 thời gian để ngủ, như vậy một ngày đêm cần ngủ 8 tiếng, nên ngủ 7 tiếng ban đêm và 1 tiếng ban ngày. Ngủ tốt phải là đủ về thời gian và giấc ngủ phải sâu. Khi ngủ, các cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi, hồi phục chức năng để sau khi ngủ dậy hoạt động tốt hơn. Và người ta thấy khi ngủ tăng quá trình tổng hợp protein cho cơ thể (người mất ngủ gầy, hốc hác rất nhanh). Vì vậy, để đảm bảo giấc ngủ có lợi cho sức khỏe thì nên ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, trước khi đi ngủ không sử dụng các chất kích thích.
BS NGUYỄN VINH QUANG