Điều trị bệnh mạch vành (bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim) là điều trị toàn diện. Người bệnh cần kiểm soát tốt các bệnh nền có yếu tố nguy cơ tim mạch, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, tránh căng thẳng để bảo vệ trái tim.
Ca can thiệp đầy cam go
Một bệnh nhân 56 tuổi, có những tổn thương rất phức tạp ở cả ba nhánh động mạch vành vừa được chuyên gia Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh cùng ê kíp Đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên can thiệp thành công. Theo bác sĩ Lê Duy (Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), bệnh nhân này bị nhồi máu cơ tim đã lâu. Chụp mạch vành, các bác sĩ phát hiện người bệnh bị tổn thương ở cả ba nhánh, trong đó động mạch liên thất trước bị tắc hoàn toàn mãn tính, động mạch vành phải hẹp đến 70-80%.
“Trường hợp này, các bác sĩ quyết định can thiệp nhánh liên thất trước. Nhánh này tổn thương rất phức tạp, ngay chỗ phân nhánh. Bác sĩ can thiệp vừa xử lý tổn thương tắc hoàn toàn mãn tính vừa phải xử lý tổn thương ở chỗ phân nhánh, giữ cho nhánh bên không bị mất. Đây là hai việc cực khó trong một ca bệnh nên thời gian can thiệp rất lâu và phải sử dụng nhiều bóng, nhiều stent”, bác sĩ Lê Duy cho biết.
Thủ thuật viên chính thực hiện ca can thiệp này là PGS.TS.BS Hồ Thượng Dũng, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh. PGS cho biết: “Bác sĩ can thiệp phải cân nhắc, vạch ra chiến lược có lợi nhất cho bệnh nhân. Do động mạch liên thất trước bị tắc mãn tính nên có một vùng cơ tim đã chết, vùng còn lại được nuôi bởi tuần hoàn bàng hệ.
Nhánh bên cạnh vẫn còn tưới máu. Khi mở tổn thương tắc hoàn toàn mãn tính, yêu cầu đặt ra là không được lùa khối xơ vữa sang nhánh bên cạnh, làm tắc nhánh đang tưới máu nuôi một vùng cơ tim. Đấy là cái khó. Thêm vào đó, tổn thương đã bị vôi hóa, đưa stent vào rất khó khăn. Chúng tôi đã mở được tổn thương tắc hoàn toàn mãn tính, đồng thời giữ được nhánh bên cạnh bằng kỹ thuật can thiệp 2 stent. Vị trí tổn thương bị vôi hóa nhiều, bóng nong lên rất khó, khi đưa stent vô thì bị kẹt, không qua được. Chúng tôi phải sử dụng nhiều kỹ thuật để can thiệp thành công”.
Sau ca can thiệp đầy cam go kéo dài gần 2 giờ đồng hồ, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
Bảo vệ trái tim khỏi bệnh mạch vành
Theo PGS Hồ Thượng Dũng, điều trị bệnh mạch vành là điều trị toàn diện, thứ nhất là loại bỏ những yếu tố nguy cơ tim mạch, trong đó có bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch. Đầu tiên là rối loạn mỡ máu. Cholesterol cao thì nguy cơ xuất hiện mảng xơ vữa là rất lớn. Một số người bị rối loạn mỡ máu di truyền, mỡ máu thường tăng rất cao dẫn đến mắc bệnh tim mạch rất sớm, khi còn rất trẻ. Khi tổn thương mạch vành đã nặng, ảnh hưởng đến tưới máu cơ tim, gây ra triệu chứng hoặc ảnh hưởng đến tiên lượng thì phải xem xét các biện pháp điều trị tái tưới máu cơ tim. Can thiệp mạch vành là một kỹ thuật điều trị tái tưới máu cơ tim hiệu quả và ít xâm lấn. |
Theo các chuyên gia tim mạch, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng lớn. Tuy nhiên, có những người dưới 40 tuổi vẫn mắc bệnh mạch vành, bị nhồi máu cơ tim. PGS Hồ Thượng Dũng cho biết: “Nhồi máu cơ tim ở người trẻ thường có những nguyên nhân khác với người lớn tuổi, ví dụ bệnh nhân có bất thường về đông máu, tăng đông, huyết khối tắc tại chỗ. Trường hợp dùng ma túy liều cao quá, mạch vành co thắt cũng gây nhồi máu cơ tim… Tuy nhiên cũng vẫn có những trường hợp chụp động mạch vành bệnh nhân 30-40 tuổi phát hiện bị nhồi máu cơ tim do xơ vữa động mạch lan tỏa. Điều đó cảnh báo quá trình xơ vữa động mạch xuất hiện rất sớm và ở một số ít người trẻ tổn thương xơ vữa lan tỏa và nặng”.
Theo PGS Hồ Thượng Dũng, điều trị bệnh mạch vành là điều trị toàn diện, thứ nhất là loại bỏ những yếu tố nguy cơ tim mạch. Đầu tiên là rối loạn mỡ máu. Cholesterol cao thì nguy cơ xuất hiện mảng xơ vữa là rất lớn. Một số người bị rối loạn mỡ máu di truyền, mỡ máu tăng rất cao dẫn đến mắc bệnh tim mạch rất sớm, khi còn rất trẻ. Và khi đã mắc bệnh mạch vành, thường là tổn thương cả ba nhánh, tổn thương nặng. Yếu tố nguy cơ thứ hai là tăng huyết áp, do đó phải giữ huyết áp ổn định.
Không hút thuốc lá vì khói thuốc không chỉ gây hại cho phổi mà còn đẩy nhanh sự tiến triển của mảng xơ vữa. Trong các yếu tố nguy cơ tim mạch, đái tháo đường là một yếu tố đặc biệt, nguy cơ rất cao gây ra bệnh tim mạch. “Cần điều trị, kiểm soát tốt các bệnh nền có yếu tố nguy cơ tim mạch; có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý và tránh căng thẳng”, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam khuyến cáo.
YÊN LAN