Chủ Nhật, 24/11/2024 07:56 SA
Phòng ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng
Thứ Năm, 04/06/2020 09:09 SA

Nắng nóng là điều kiện làm vi khuẩn phát triển nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân nếu không có biện pháp phòng ngừa.

 

Ruồi nhặng, muỗi, chuột, gián, vi khuẩn… sinh sôi, phát triển nhanh trong tiết trời nắng nóng, làm tăng nguy cơ lây lan các mầm bệnh qua đồ ăn, nước uống như bệnh tả, ngộ độc đường ruột, tiêu chảy, thương hàn, gây mủ ở vết thương... Những năm gần đây, tại tỉnh thường xảy ra các bệnh lây qua đường thực phẩm, trong đó dễ gặp nhất là bệnh tiêu chảy, nhiễm độc hóa chất, dị ứng thức ăn và có thể lây bệnh từ người này sang người khác từ việc sử dụng thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, không hợp vệ sinh.

 

Để đảm bảo ăn uống an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng, người tiêu dùng cần lựa chọn, mua, sử dụng những thực phẩm tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng uy tín, cơ sở có giấy chứng nhận của cơ quan chức năng; lưu ý hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản sản phẩm… Thông thường, đa số người dân dựa hoàn toàn vào tủ lạnh, cho rằng tủ lạnh giúp bảo quản thực phẩm an toàn, nhưng đó là suy nghĩ chưa hoàn toàn đúng. Tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm, hạn chế sự sinh sôi, phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ, độ ẩm, chứ không có tác dụng diệt khuẩn. Nếu dự trữ quá nhiều thực phẩm, không khí lạnh không lưu thông được sẽ làm thực phẩm nhanh hỏng. Do vậy, chúng ta cần sơ chế thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh, không để chung thực phẩm chín và sống để tránh bị lây nhiễm chéo, làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm.

 

Khi chế biến thực phẩm, chúng ta cần chú ý ăn chín, uống sôi và thực hiện 10 nguyên tắc vàng: chọn thực phẩm tươi, an toàn; nấu chín kỹ trước khi ăn; ăn ngay sau khi nấu; bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; nấu lại thức ăn thật kỹ; tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn; rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác; giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch an toàn.

 

Đáng lưu ý là khi bị ngộ độc thực phẩm, nếu nhẹ thì người thân cần có biện pháp sơ cứu, làm cho người bị ngộ độc nôn thức ăn ra ngoài bằng cách tạo phản xạ nôn. Nếu bệnh nhân nặng có biểu hiện sốt, lơ mơ không tỉnh táo hoặc co giật thì không được gây nôn, đề phòng bệnh nhân sặc. Sau khi sơ cứu tại chỗ, bệnh nhân nên được chuyển đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời.

 

BS NGUYỄN VĂN TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek