Dịch COVID-19 đang lây lan rộng khắp, khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng. Để bảo vệ chính mình và người thân, người dân cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến việc chế biến, sử dụng thực phẩm.
Trước hết, COVID-19 lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng con đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp. Theo chuyên gia nghiên cứu COVID-19, đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm là nguồn có khả năng lây truyền virus. Còn theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland, virus cần một vật chủ, là người hoặc động vật sống để phát triển. Do vậy, chúng ta phải cảnh giác khi tiếp xúc trực tiếp với động vật, nhất là động vật hoang dã.
Đối với thực phẩm sống và chưa nấu chín cần xử lý như thế nào?
Nên rửa tay hàng ngày và ngay sau khi xử lý thịt sống để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm. Một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước, trước và sau khi xử lý thực phẩm sống. Rửa tay kỹ trong 30 giây để đảm bảo hầu hết mầm bệnh đã được loại bỏ. Nếu nấu thịt sống, hãy đảm bảo nấu ở nhiệt độ thích hợp, các dụng cụ dùng để nấu cũng phải được làm sạch.
Đối với thực phẩm không có vỏ, da thì phải rửa dưới vòi nước chảy. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sử dụng nước có thể loại bỏ 98% vi khuẩn trên thực phẩm.
Thực phẩm nấu chín, nước đun sôi thì virus SARS-CoV-2 còn sống không?
Ăn chín, uống sôi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và ai cũng có thể làm được. Trong trường hợp thức ăn đã được nấu chín, virus và các loại vi khuẩn khó có thể sống sót (không loại trừ virus SARS-CoV-2).
Có nên nấu ăn cho đông người?
Trong khoảng thời gian dịch bùng phát, người dân nên giảm thiểu tiếp xúc đông người. Nếu tổ chức tiệc mà người tham gia bị nhiễm COVID-19 ho hoặc hắt hơi vào một người khác hoặc trên đồ dùng bằng bạc trên bàn ăn, điều đó chắc chắn sẽ xảy ra nguy cơ mắc bệnh cao. Tốt nhất nên bỏ qua các bữa tiệc, hay tổ chức ăn uống đông người (trừ nấu bếp ăn tập thể được cơ quan chức năng cho phép) cho đến khi dịch lắng xuống và chỉ nên nấu ăn cho chính mình hoặc những người sống cùng hoặc gia đình.
Đặt đồ ăn online có an toàn không?
Cách lây lan của virus chính là sự tiếp xúc giữa người với người, giữa người với các vật vô tri. Có những người không tiếp xúc với người bị bệnh, thậm chí không đi đâu cũng mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu của Hoa Kỳ đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên nhựa, thép không gỉ trong vòng 3 ngày. Virus cũng có khả năng bám vào bao bì thông qua việc giao thực phẩm online. Đặt đồ ăn online có thể an toàn hơn so với đi ăn ngoài, nhưng vẫn nên rửa tay sau khi chạm vào bao bì và trước khi bắt đầu ăn món gì đó.
Bạn có thể bị lây COVID-19 thông qua quầy tự phục vụ tại các nhà hàng thức ăn nhanh hay không?
Tiếp xúc trực tiếp nước bọt, các dịch họng là thủ phạm lây truyền COVID-19. Giả sử người đứng trước bị nhiễm virus, ho và hắt hơi, sau đó chạm tay vào màn hình cảm ứng thì người đứng sau sẽ có nguy cơ phơi nhiễm cao. Chúng ta hoàn toàn có thể nhiễm COVID-19 bằng cách chạm vào các bề mặt hoặc vật thể nơi các giọt nước rơi xuống và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt. Hãy nhớ rửa tay sau khi chạm vào các vật thể công cộng và trước bữa ăn để tránh lây nhiễm.
BS NGUYỄN VĂN TÂM
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh