Theo các bác sĩ, khoảng 10% người cao tuổi (NCT) ở cộng đồng có các triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên, dấu hiệu giúp nhận biết trầm cảm ở NCT không phải lúc nào cũng dễ dàng. Bệnh trầm cảm ở người già thường khó chẩn đoán và chữa trị vì người bệnh thường không thừa nhận là mình bị trầm cảm.
Các chương trình điều trị bệnh trầm cảm ở người có tuổi
Hầu hết bệnh nhân trầm cảm có thể được cải thiện đáng kể các triệu chứng khi điều trị. Các biện pháp điều trị trầm cảm hiện nay bao gồm uống các thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý và thư giãn luyện tập.
Thuốc chống trầm cảm điều chỉnh trạng thái mất cân bằng sinh hóa trong não vì tình trạng này có thể là một yếu tố gây ra bệnh trầm cảm. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau, NCT sẽ được các bác sĩ kê toa thuốc phù hợp với tình trạng bệnh lý và thích hợp với từng người cụ thể, ít có tác dụng phụ bất lợi và đặc biệt phải an toàn.
Việc dùng thuốc chống trầm cảm ở NCT cũng phải tuân thủ về hàm lượng, liều lượng và đủ thời gian vì điều này sẽ làm cho bệnh thuyên giảm, khỏi và không tái phát. Để đạt được mục đích này yêu cầu dùng thuốc liên tục từ 4-6 tháng; chỉ ngừng thuốc khi nào có ý kiến của bác sĩ.
Các liệu pháp tâm lý cũng rất hữu ích cho người bị trầm cảm. Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ đưa ra các liệu pháp thích hợp, có khi đơn giản chỉ là một buổi trò chuyện cùng bác sĩ cũng đã giúp ích cho người bệnh rất nhiều.
Ngoài chăm sóc vật chất và y tế, NCT cần được chăm sóc về tinh thần.
Con đường đến hồi phục
NCT rất cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi bị bệnh phải được phát hiện và chăm sóc điều trị kịp thời. Khi bệnh trầm cảm, NCT cần tuân thủ một chương trình điều trị thích hợp, giúp cải thiện các triệu chứng ngày càng tốt hơn. Người bệnh sẽ cảm thấy sinh lực trở lại để làm những công việc mà mình yêu thích, mọi đau đớn và các suy nghĩ bất ổn cũng qua đi và vượt lên tất cả là ý nghĩ, cái nhìn toàn cục mới mẻ về cuộc sống.
HOÀNG LÊ (tổng hợp)