Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên tiến hành khảo sát môi trường lao động tại 10 cơ sở sản xuất kinh doanh (CSSXKD) có sử dụng người lao động trong phạm vi toàn tỉnh.
Nồng độ bụi cao rất dễ làm người lao động mắc bệnh nghề nghiệp – Ảnh: NGỌC HÂN |
Qua đánh giá sơ bộ đoàn khảo sát nhận thấy nổi cộm lên là cường độ tiếng ồn, hàm lượng bụi tại khu vực sản xuất vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, ý thức bảo vệ sức khỏe cho công nhân lao động (CNLĐ) của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và ý thức sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động (BHLĐ) của CNLĐ chưa tốt.
Trong sản xuất công nghiệp, cường độ tiếng ồn, bụi, nóng ẩm… có mức độ cao là không thể tránh khỏi, nhưng làm gì để giảm thiểu nguy cơ là điều quan trọng. Một số cơ sở đã quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhà xưởng theo đúng qui định, trang bị bảo hộ cá nhân cho công nhân, cải thiện điều kiện lao động nhằm tăng năng suất nhưng vẫn hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn lao động. Tuy nhiên, cũng có trường hợp NSDLĐ trang bị đầy đủ thiết bị BHLĐ nhưng công nhân không sử dụng vì một lý do rất không công nghiệp là “nóng và… khó chịu!!!”.
Bên cạnh đó, vẫn có nhiều cơ sở hoạt động SXKD kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, nên NSDLĐ ít chú trọng đến sức khỏe NLĐ và môi trường lao động, việc thực thi các văn bản pháp luật của Nhà nước gặp không ít khó khăn. Số cán bộ y tế cơ sở vừa ít (<30%) vừa thiếu kiến thức về y tế lao động, lại kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên chưa làm tốt công tác này. Một khó khăn nữa là số công nhân và số cán bộ phụ trách VSLĐ tại cơ sở luôn biến động nên công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ không được liên tục. Một số cơ sở đã khám sức khỏe định kỳ và phát hiện bệnh nghề nghiệp (KSKĐK & PHBNN) cho công nhân, đã đăng kiểm môi trường lao động hàng năm nhưng không phát huy hết ý nghĩa của công việc này, không lập được hồ sơ vệ sinh lao động, hồ sơ quản lý sức khỏe và bệnh tật người lao động theo đúng qui định. Phải chăng do trình độ nhận thức hay vì coi thường luật pháp? Thậm chí, một số CSSXKD tỏ ra rất quan tâm đến sức khỏe NLĐ bằng cách cho công nhân khám sức khỏe định kỳ, nhưng khi phát hiện NLĐ mắc bệnh dù chỉ cấp tính (điều trị 1 thời gian ngắn là khỏi), bệnh có tính chất nghề nghiệp (chỉ cần đổi công đoạn làm việc của công nhân thì bệnh sẽ giảm hẳn) hoặc phát hiện bệnh nghề nghiệp thì NSDLĐ sa thải công nhân đó ngay.
Như vậy, để công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ được hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn lao động có thể xảy ra, góp phần nâng cao năng suất và cường độ lao động, cần thành lập và củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác VS-ATLĐ tại cơ sở; xây dựng chế độ kiểm tra, giám sát thường kỳ về ATLĐ và bảo hộ lao động trong nội bộ cơ sở; tổ chức tuyên truyền, cung cấp các kiến thức về VSLĐ. Ngoài ra, NSDLĐ phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe NLĐ định kỳ, khảo sát môi trường lao động, sớm khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao năng suất và cường độ lao động.
Việc thực thi công tác ATVSLĐ không còn mới mẻ ở các CSSXKD có sử dụng NLĐ, có chăng chỉ là ý thức của cả NLĐ và NSDLĐ.
BS. HUỲNH THẾ VINH
Chuyên trách Vệ sinh Lao động - Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên