Thứ Tư, 02/10/2024 23:34 CH
Phòng và xử trí tiêu chảy cấp ở trẻ em
Thứ Hai, 17/03/2008 10:30 SA

Tiêu chảy là một hiện tượng hay gặp không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Tiêu chảy có thể chỉ là một dấu hiệu do rối loạn tiêu hóa nhưng cũng có thể là triệu chứng bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra. Nếu tiêu chảy nhẹ do rối loạn tiêu hóa thì có thể điều chỉnh chế độ ăn. Nhưng nếu tiêu chảy do nhiễm khuẩn, tiêu chảy nhiều lần gây mất nước và điện giải thì dễ gây tử vong nếu không được bồi phụ nước và điện giải kịp thời, nhất là ở người già và trẻ em.

 

080317-em-be.jpg

Một em bé 13 tháng tuổi bị tiêu chảy, nhập Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vào sáng qua (16/3)  - Ảnh: T.HẢO

 

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG

 

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu một số nét sơ bộ về tiêu chảy để mọi người có thể xử trí đúng khi gặp hoặc mắc phải.

 

Trẻ bị tiêu chảy khi đi đại tiện nhiều lần (trên 3 lần/ngày) và tính chất phân thay đổi: phân loãng, nhiều nước. Bệnh tiêu chảy cấp thường diễn ra dưới 5 ngày, nếu trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài.

Nguyên nhân thường do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc với phân của người mắc bệnh.

 

Yếu tố thuận lợi cho tiêu chảy xảy ra là không rửa tay trước khi ăn, ăn rau sống rửa không sạch, uống nước lã chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ hoặc mắc một số bệnh như sởi, suy dinh dưỡng...

 

Triệu chứng lâm sàng thay đổi tùy theo mức độ nặng nhẹ, thường có các hội chứng sau đây:

 

- Hội chứng tiêu hóa: Tiêu chảy, phân loãng, nhiều nước, đi nhiều lần (có khi 15-20 lần/ngày). Phân mùi chua, có nhiều mũi nhầy hoặc có máu. Bệnh nhân có thể bị nôn.

 

- Mất nước điện giải: Nếu nhẹ thì trẻ quấy khóc, vật vã hoặc lờ đờ, khát nước, nước tiểu giảm khối lượng, khóc không có nước mắt, mắt trũng, miệng khô, thở nhanh, sâu hơn bình thường, mạch nhanh nhỏ, thóp lõm, huyết áp tụt.

 

- Sốt: có thể sốt hoặc không.

 

XỬ TRÍ KHI BỊ TIÊU CHẢY

 

Bù nước và điện giải càng sớm càng tốt

 

- Khi chưa kịp đến cơ sở y tế thì cho uống một số dung dịch như: ORS 1 gói pha đúng 1 lít nước sôi để nguội cho uống trong một ngày. Nếu chưa có sẵn gói oresol, có thể dùng 1 thìa cà phê muối (3,5g), 8 thìa cà phê đường (40g) pha vào 1 lít nước hoặc dùng bột gạo nấu thành nước cháo: bột gạo 50g (5 thìa canh), muối 3,5g (1 thìa cà phê), 1 lít nước, đun sôi
2-5 phút.          

 

Thêm vài thìa nước quả vào cháo để bổ sung kali cho trẻ uống liên tục, ngay cả khi trên đường đến cơ sở y tế.

 

- Bồi phụ nước điện giải bằng các đường uống, tiêm truyền tĩnh mạch hoặc dùng ống thông mũi- dạ dày( tại cơ sở y tế). Một số dung dịch tiêm truyền như  huyết thanh 9%00, glucoza 5%, lactat Ringer...

 

Chế độ dinh dưỡng khi bị tiêu chảy:

 

- Dinh dưỡng: không nên kiêng khem tránh thiếu hụt chất dinh dưỡng. Ngay sau khi bồi phụ nước điện giải, có thể cho trẻ bú và ăn ngay. Những trẻ nuôi bằng sữa bò sau khi bù đủ nước điện giải, cho trẻ ăn sữa loãng hơn bình thường hoặc cho ăn sữa pha với oresol (1/3 sữa pha với 2/3 ORS). Dần dần cho ăn theo chế độ bình thường, khi trẻ khỏi bệnh, mỗi ngày cho ăn thêm một bữa trong một tuần để lấy lại sức.

 

Sử dụng thuốc : Chỉ sử dụng khi có chỉ định của thầy thuốc, đây là điều hết sức quan trọng bởi vì mỗi nguyên nhân đều có các thuốc đặc hiệu khác nhau, nếu sử dụng không đúng sẽ lợi bất cập hại. Nguyên nhân do virus hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng và chống mất nước. Kháng sinh: chỉ nên dùng ampicillin, sunphamethoxazole hoặc acid nalidicique trong một số trường hợp.

 

Phòng bệnh: Quan trọng nhất để phòng chống tiêu chảy là phòng bệnh bằng các biện pháp sau đây:

- Tuyệt đối thực hiện ăn chín, uống sôi

 

- Vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi cầm nắm các vật dụng công cộng, các công cụ sản xuất; sau khi đếm tiền, trước, sau  khi chế biến thức ăn, trước khi chăm sóc trẻ…

 

- Vệ sinh môi trường xung quanh: xử lý rác, phân gia súc, gia cầm đúng quy định về vệ sinh.

- Sử dụng nguồn nước sạch

 

- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ

 

- Khi trẻ bị tiêu chảy cần đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thiếu ngủ, trẻ dễ bị chấn thương
Thứ Tư, 12/03/2008 08:39 SA
Rubella
Thứ Tư, 12/03/2008 07:00 SA
Những thức ăn gây buồn ngủ
Thứ Ba, 11/03/2008 09:58 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek