Chủ Nhật, 06/10/2024 03:09 SA
Lắng nghe người bệnh để hoàn thiện mình
Thứ Hai, 18/03/2019 15:00 CH

Mang sứ mệnh và sự ủy thác của xã hội nên nghề y là một nghề nghiệp đặc biệt. Chính vì vậy, y đức, y nghiệp luôn được đề cao.

 

Y đức không chỉ thể hiện ở giao tiếp, ứng xử tốt với người bệnh. Bốn nguyên lý của y đức là: tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh, có lòng từ thiện, không làm tổn hại người bệnh và đảm bảo công bằng. Bốn nguyên lý của y nghiệp là: đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết, duy trì năng lực chuyên môn, tự điều chỉnh và có trách nhiệm đối với xã hội. Đại Y tôn Hải Thượng Lãn Ông - tấm gương ngời sáng về y đức, y đạo, y thuật - đã đề cao đạo đức của người thầy thuốc: “Suy cho cùng, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong một tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ, thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đạo đức không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám học đòi làm cái nghề cao quý đó chăng”.

 

Một số thầy thuốc y học cổ truyền đã chia sẻ những suy nghĩ của họ về y đức, y nghiệp.

 

LƯƠNG Y LÊ HUY KÔNG, CHỦ TỊCH HỘI ĐÔNG Y HUYỆN ĐÔNG HÒA:

Tận tụy, không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề

 

Để chăm sóc, chữa trị tốt cho người bệnh, thầy thuốc không thể không tận tụy, nâng cao tay nghề, soi vào tấm gương của các danh y mà học tập và kiểm nghiệm bản thân. Bên cạnh việc hành nghề, thầy thuốc còn tổ chức, tham gia các hoạt động khám chữa bệnh thiện nguyện cho bà con ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đem hiểu biết của mình giúp đỡ bà con, đồng thời có thêm những trải nghiệm trong cuộc sống.

 

Theo tôi, muốn phát triển y nghiệp thì phải không ngừng học hỏi, thừa kế những bài thuốc, kinh nghiệm chữa bệnh hay của người đi trước, của các đồng nghiệp, đúc kết và nâng cao tay nghề.

 

LƯƠNG Y NGUYỄN VĂN CỬ, CHỦ TỊCH HỘI ĐÔNG Y HUYỆN SƠN HÒA:

Khai thác tài nguyên cây thuốc ở địa phương

 

 

Không chỉ chuyên cần học hỏi, nghiên cứu sách xưa sách nay để vận dụng, thầy thuốc phải có cái tâm, tất cả vì người bệnh. Nếu người ta mắc bệnh nhẹ mà mình nói bệnh nặng là không có cái tâm.

 

Phú Yên nói chung, các huyện miền núi nói riêng có nguồn tài nguyên cây thuốc rất phong phú. Đại danh y Tuệ Tĩnh đã nói: “Nam dược trị Nam nhân” - dùng thuốc nam trị bệnh cho người nước Nam, thầy thuốc phải sưu tầm, nghiên cứu, khai thác tài nguyên cây thuốc của địa phương để chữa bệnh cho người dân. Khai thác một cách hợp lý để nguồn tài nguyên này không cạn kiệt, đó là trách nhiệm của thầy thuốc.

 

BS CKI TRẦN HỮU TUẤN, GIÁM ĐỐC BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN PHÚ YÊN:

Phải mở lòng và lắng nghe người bệnh

 

Tôi vẫn nói với các đồng nghiệp trẻ là chúng ta chia sẻ kinh nghiệm với nhau và học từ người bệnh. Muốn thành công thì phải lắng nghe người bệnh. Hàng tháng, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên tổ chức họp Hội đồng Người bệnh, lắng nghe những ý kiến trao đổi, nhận xét của họ, như thuốc có khó uống không, việc nào, khâu nào chưa được… để kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Họ phê bình, nhận xét mình chưa tốt thì mình phải cảm ơn, để rồi khắc phục và làm tốt hơn công việc của mình, chứ nếu được khen hoài thì sẽ chủ quan. Nếu bây giờ đã tốt rồi thì phải cố gắng tốt hơn nữa.

 

Thầy thuốc phải mở lòng mình với người bệnh và phải thật đẹp, từ phong thái đến cách giao tiếp, ứng xử. Người bệnh đau, họ có những bức xúc; mình lịch sự, nhã nhặn thì họ sẽ không có những hành vi không phải với mình. Lời nói, cách ứng xử rất quan trọng. Thầy thuốc phải lắng nghe người bệnh và chịu khó giải thích nếu họ chưa hiểu.

 

NGỌC LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek