Một sự kiện đáng nhớ đối với người nhiễm HIV trong cả nước vừa diễn ra vào ngày 8/3, khi gần 50.000 bệnh nhân được sử dụng thuốc điều trị kháng vi rút (ARV) thông qua nguồn bảo hiểm y tế (BHYT).
Sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên nhận thuốc ARV nguồn BHYT” được tổ chức nhằm quảng bá dịch vụ này tới đông đảo người dân trong phạm vi cả nước. Sự kiện này là kết quả của một thời gian dài chuẩn bị, từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đến kiện toàn các cơ sở điều trị, mở rộng tỉ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT, đấu thầu thuốc tập trung mua thuốc ARV sử dụng nguồn quỹ BHYT và hoàn thiện các hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh quyết toán ARV bằng nguồn quỹ BHYT.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 2018 là năm thứ 10 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm cả ba tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.
Cùng với sự tiến bộ trong lĩnh vực dự phòng lây nhiễm HIV, mở rộng điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV là một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống HIV/AIDS. Điều trị ARV mang lại sức khỏe, giảm tử vong cho người nhiễm HIV, giảm lây truyền HIV sang người khác, đem lại hiệu quả cao về kinh tế cho bệnh nhân, gia đình và xã hội”.
Với những lợi ích đó, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường điều trị ARV cho người nhiễm HIV, điều trị ngay khi phát hiện nhiễm HIV, phân cấp điều trị ARV về tuyến y tế cơ sở, đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS. Hiện nay, Việt Nam có gần 140.000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt khoảng 70% người nhiễm HIV đã được phát hiện. Trong số đó, tỉ lệ bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế và hầu như không có khả năng lây nhiễm cho người khác theo con đường tình dục lên đến hơn 95%.
Trong nhiều năm qua, điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào các nguồn viện trợ quốc tế (đặc biệt là viện trợ của Chính phủ Mỹ thông qua PEPFAR và viện trợ của Quỹ Toàn cầu). Hiện nay, nguồn thuốc ARV viện trợ đã bị cắt giảm, đặc biệt là nguồn thuốc của PEPFAR. Để đảm bảo tính bền vững của điều trị HIV/AIDS, Chính phủ Việt Nam đã chủ trương sử dụng nguồn BHYT để thanh toán thuốc kháng vi rút ARV cho người nhiễm HIV.
Năm 2019 là năm đầu tiên triển khai khám chữa bệnh BHYT ở 188 cơ sở, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT.
Tại Phú Yên, khoảng 8 giờ 30 ngày 8/3, chị N.T.T.M ở huyện Đông Hòa là bệnh nhân đầu tiên có mặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS để hưởng ứng sự kiện cấp quốc gia trên. 13 năm nay, chị đã sống chung với căn bệnh thế kỷ và có 7 năm tham gia điều trị ARV. Chính sách điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS được thanh toán từ nguồn BHYT là một niềm vui rất lớn không chỉ đối với chị, mà còn đối với nhiều bệnh nhân AIDS khác.
Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Thanh, người đã có nhiều năm làm công tác điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cho biết, sức khỏe của M hiện tiến triển tốt do được điều trị ARV đúng liều và đúng thời gian. Cân nặng của chị đã tăng lên 49kg. Không chỉ chị M, nhiều người nhiễm HIV/AIDS khác sức khỏe cũng tiến triển tốt sau khi được điều trị ARV đúng liều và đúng thời gian.
Để có được những viên thuốc ARV đầu tiên từ nguồn BHYT trao tận tay người nhiễm HIV/AIDS, Sở Y tế Phú Yên đã chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS nỗ lực hoàn thiện các quy định theo yêu cầu để đủ điều kiện ký kết hợp đồng với Bảo hiểm xã hội tỉnh thanh toán thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT.
Điều trị ARV thông qua BHYT, người nhiễm HIV/AIDS tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại vấp phải những khó khăn nhất định. Bác sĩ Vũ Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc phụ trách trung tâm, cho biết: Bất ngờ có một số bệnh nhân lại từ chối sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT với lý do sợ bị lộ thông tin cá nhân nếu đăng ký sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT.
Trước khó khăn này, bác sĩ Bích cho biết, trung tâm đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc với bệnh nhân để động viên, tư vấn, hướng dẫn và thuyết phục họ, thậm chí vận động gia đình họ cùng thuyết phục họ vượt qua những suy nghĩ tiêu cực để được điều trị thuốc ARV từ nguồn BHYT.
Để đảm bảo quyền lợi cũng như tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được tiếp cận thuốc điều trị ARV liên tục, trong năm 2019, ngành Y tế phấn đấu 100% bệnh nhân được điều trị ARV có thẻ BHYT. Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, UBND tỉnh đã hỗ trợ mua thẻ BHYT dành tặng những người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV trên địa bàn tỉnh.
Đây là một giải pháp nhân văn, hy vọng sẽ tiếp thêm động lực để họ vượt qua những khó khăn do bệnh tật, có cơ hội để được chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Sự khỏe mạnh của từng người nhiễm HIV/AIDS sẽ góp phần vào sự thành công của công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
HÀ AN - QUỐC HỘI