Những bệnh nhân mắc bệnh lao kháng thuốc (MDR-TB) cần tới 2 năm mới có thể điều trị dứt điểm.
Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học đã tìm ra loại thuốc mới, có tên gọi bedaquiline, giúp rút ngắn thời gian điều trị căn bệnh này từ gần hai năm xuống còn 9-11 tháng mà vẫn đem lại hiệu quả tương đương. Kết quả thử nghiệm lâm sàng này được đăng trên tạp chí Y khoa New England ngày 13/3.
Mỗi năm có gần 600.000 người mắc bệnh lao kháng thuốc, nguyên nhân khiến nhiều người tử vong hơn so với các loại bệnh truyền nhiễm khác trên thế giới.
Những người mắc bệnh lao thông thường chỉ cần uống bốn loại kháng sinh trong thời gian sáu tháng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chủng lao kháng thuốc, do đó cần tới hai năm mới điều trị dứt điểm. Hướng điều trị này đôi khi đi kèm với những tác dụng phụ nghiêm trọng do sử dụng kháng sinh.
Thử nghiệm lâm sàng mới được tiến hành với sự tham gia của gần 400 người bị nhiễm MDR-TB thể nặng tại các nước Việt Nam, Mông Cổ, Nam Phi và Ethiopia, nhằm so sánh tính hiệu quả của hai phác đồ điều trị kéo dài gần hai năm và ngắn hơn.
Kết quả cho thấy phác đồ điều trị lâu hơn có hiệu quả 80% thời gian, trong khi phác đồ ngắn hơn có hiệu quả 79% thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân có thể chỉ cần uống trung bình 14 viên thuốc/ngày trong giai đoạn 20 tuần đầu, sau đó 10 viên/ngày trong 20 tuần tiếp theo (cộng với đợt tiêm 5 lần/tuần trong 16-20 tuần), thay vì 20 viên/ngày trong hai năm.
Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các nước chuyển phác đồ điều trị MDR-TB từ 12 tháng sang 9 tháng. Khi giảm được thời gian điều trị, bệnh nhân có khả năng sẽ tuân theo toàn bộ phác đồ điều trị, đặc biệt hữu ích đối với những nước kém phát triển có cơ sở hạ tầng y tế yếu kém.
Theo TTXVN/Vietnam+