Cùng với việc ăn uống, vận động, ngủ là nhu cầu không thể thiếu của con người. Mất ngủ, gương mặt sẽ phờ phạc, cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng học tập, làm việc…
Mất ngủ thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, cao huyết áp. Vậy có thể dùng thuốc nam để điều trị chứng mất ngủ kéo dài?
Tại Hội nghị Thừa kế lần thứ 2 do Hội Đông y Phú Yên tổ chức, lương y Huỳnh Xuân Lộc (Hội Đông y thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) đã chia sẻ bài thuốc nam mà ông điều trị cho một bệnh nhân 45 tuổi, bị mất ngủ trong hai tháng.
Theo đông y, chứng mất ngủ có nhiều nguyên nhân: do tâm tỳ yếu gây thiếu huyết, do thận âm suy kém, do hỏa của can đởm bốc, do khí không điều hòa, do cơ thể bị suy nhược… Mọi sự mất cân bằng trong cơ thể đều có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ.
Người bệnh tìm đến lương y Lộc trông mệt mỏi bơ phờ, mắt thâm quầng, da nhợt nhạt, tiếng nói đục, khàn…; người nóng; mạch sát, trơn và nhanh. Bệnh nhân cho biết mỗi đêm chỉ ngủ từ một đến hai giờ đồng hồ; ban ngày không ngủ được. Khi ngủ, bệnh nhân hay thức giấc, mộng mị; thức dậy thì đầu nặng, mắt hoa.
Dựa vào tứ chẩn, lương y bốc thuốc thanh nhiệt, hóa đàm, an thần… cho người bệnh. Bài thuốc gồm: liên nhục (hạt sen, còn tim sen, sao vàng): 20g, táo nhân (hạt táo, sao đen): 8g, trần bì (vỏ quýt, sao sơ): 8g, hương phụ (củ gấu, tứ chế): 12g, la bạc tử (củ cải trắng): 8g, chi tử (hạt dành dành): 10g, hạn liên thảo (cỏ mực sao vàng): 10g, trắc bá diệp (sao sơ): 8g, lạc tiên (chùm bao, sao vàng): 8g và cam thảo dây (dây cườm thảo, sao vàng): 6g. Các vị thuốc trên, cho 4 chén nước sắc còn một chén, uống vào lúc chiều tối, sau khi ăn cơm. Không sắc nước thứ hai.
Bên cạnh việc dùng bài thuốc nam trên, lương y Huỳnh Xuân Lộc còn châm cứu, day ấn huyệt, khuyên bệnh nhân tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân đã bình phục, ngủ ngon.
NGỌC LAN