Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, những ca phẫu thuật cột sống đầu tiên trong hoạt động chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật thần kinh - cột sống đã được TS-BS Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh), Chủ nhiệm bộ môn Ngoại thần kinh Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện. Báo Phú Yên trao đổi với “bàn tay vàng” của Bệnh viện Nhân dân 115 trong lĩnh vực phẫu thuật thần kinh.
* Thưa tiến sĩ, từ thực tiễn công việc, ông nhìn nhận thế nào về những tồn tại, hạn chế trong việc điều trị các bệnh lý thần kinh và sọ não tại các bệnh viện tuyến tỉnh?
- Khoảng cách về chuyên khoa sâu giữa bệnh viện tuyến tỉnh với những bệnh viện lớn ở các trung tâm như TP Hồ Chí Minh là rất lớn. Những bệnh lý “phổ thông” thì không có vấn đề gì, nhưng với những bệnh lý thuộc các chuyên khoa sâu, như cột sống - sọ não, là một trong những chuyên khoa rất sâu, thì khả năng phát triển của tuyến tỉnh hầu như không đáp ứng được so với quy mô bệnh tật ở địa phương.
Tại TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân ở các tỉnh tập trung về rất nhiều. Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến cuối của Trung ương; Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh; rất đông bệnh nhân từ các tỉnh đến để được điều trị những bệnh lý thuộc chuyên khoa sâu.
* Những bệnh lý về cột sống và sọ não thường gặp, trong trường hợp nào thì chỉ định phẫu thuật, thưa tiến sĩ?
- Có rất nhiều trường hợp, sau khi thăm khám lâm sàng kết hợp với hình ảnh học, chúng tôi thấy những tổn thương chèn ép não, tủy, chèn ép rễ thần kinh. Tuy nhiên không phải tất cả những ca chèn ép đều mổ mà có thể điều trị nội khoa trong một thời gian để đánh giá sự đáp ứng của bệnh nhân đối với thuốc và cố gắng tránh một cuộc mổ không cần thiết. Những trường hợp chèn ép đã điều trị nội khoa bảo tồn nhưng thất bại, và triệu chứng của bệnh ngày càng nặng hoặc bệnh tái phát sau khi ngưng thuốc thì mới cân nhắc, chỉ định mổ.
Ví dụ như thoát vị đĩa đệm, 80% số ca thoát vị đĩa đệm được điều trị nội khoa. Bệnh nhân cần tuân thủ đúng các chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc và quan trọng nhất là hạn chế các yếu tố nguy cơ làm cho bệnh trầm trọng thêm. Ví dụ một tài xế đã bị thoát vị đĩa đệm, muốn điều trị nội khoa thì có lẽ ông ấy phải thôi làm nghề lái xe. Nếu giữ nguyên chế độ làm việc vốn không thuận lợi cho việc cải thiện tình trạng sức khỏe thì điều trị nội khoa rất khó thành công. Hay một nông dân thường xuyên làm việc nặng, nếu đã phát hiện thấy bệnh lý cột sống mà vẫn tiếp tục công việc đó thì chắc không thể nào tránh được một ca mổ.
Một số nghề có yếu tố nguy cơ thoát vị đĩa đệm, trong đó có nghề giáo, hay như phẫu thuật viên chúng tôi. Nếu đã thoát vị đĩa đệm rồi mà vẫn tiếp tục làm công việc đó thì sẽ có nguy cơ bị tiếp, lúc đó không chỉ bị một tầng mà có thể bị nhiều tầng khác nhau, sẽ phải can thiệp rộng hơn.
* Trong thực hành y khoa, rủi ro, tai biến luôn thường trực; phẫu thuật càng phức tạp thì nguy cơ càng lớn. Làm thế nào để ngăn ngừa tối đa nguy cơ rủi ro, tai biến, thưa bác sĩ?
- Phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn những rủi ro; ngay cả khi thầy thuốc chưa làm gì hết, chỉ mới chích một mũi thuốc cũng có thể dẫn đến sốc phản vệ. Tất cả các phẫu thuật đều có tỉ lệ thành công - thất bại, đều có tỉ lệ tai biến trước, trong và sau phẫu thuật, biến chứng sớm, biến chứng muộn... Thành ra trong điều trị hàng ngày, chúng ta tư vấn kỹ cho bệnh nhân và người thân của họ để họ hiểu, đồng cảm, biết được những rủi ro có thể xảy ra và chia sẻ với chúng ta nếu có những sự cố không mong muốn. Bệnh nhân đến với chúng ta để được điều trị, và chúng ta điều trị cho tốt hơn chứ không phải cho xấu đi. Không ai muốn chuyện đó xảy ra! Tuy nhiên khi mổ, chỉ một sơ suất là có thể cắt đứt dây thần kinh, tổn thương không hồi phục, đó là những chuyện không ai mong muốn.
Các kỹ thuật gần đây hỗ trợ cho phẫu thuật, hạn chế tối đa những sự cố không mong muốn, ví dụ như những trường hợp mà phẫu thuật có thể đụng vô dây thần kinh, tủy sống… Có lẽ ở nước ngoài cũng đã gặp những trường hợp như vậy rồi nên họ đưa ra giải pháp khắc phục, tìm ra những thiết bị hạn chế tối đa sự cố, như gài những điện cực vô người bệnh nhân. Trong quá trình phẫu thuật, phẫu tích vô gần tới dây thần kinh thì thiết bị nhận diện và cảnh báo bằng âm thanh hoặc bằng đèn, phẫu tích càng tới gần thì nó càng kêu, cảnh tỉnh người thầy thuốc; phẫu thuật sọ não cũng vậy. Có trường hợp mổ u dây thần kinh số 8, dây thần kinh số 7 kế bên; nếu không gài những điện cực đó thì khi phẫu tích vô, có thể phẫu thuật viên lấy cái u ở dây số 8 nhưng cũng cắt đứt dây số 7, bệnh nhân bị liệt mặt.
Những thiết bị hỗ trợ này hầu như các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh đều có. Để hạn chế tối đa những tai biến, biến chứng trong phẫu thuật thì phải trang bị, phải đầu tư. Tại Bệnh viện Nhân dân 115, từ tháng 1/2019, chúng tôi có robot trong phẫu thuật thần kinh để hạn chế tối đa những rủi ro đó.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)