“Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi” là chủ đề Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2018. Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi cần phải có những nhóm giải pháp đồng bộ và sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành liên quan.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thuật ngữ vị thành niên (VTN) được dùng để chỉ nhóm người từ 10-19 tuổi, còn thanh niên (TN) là nhóm người tuổi từ 15-24. Người ta thường gộp nhóm VTN và thanh niên làm một vì có đặc điểm tâm sinh lý, những nhu cầu gần giống nhau và gọi là những người trẻ tuổi.
Những thay đổi về tâm lý ở tuổi VTN
Với những đặc điểm sinh lý riêng biệt, trẻ muốn khẳng định mình nên dễ thay đổi tính cách, hành vi ứng xử.
Tính độc lập: Bắt đầu có xu hướng tách ra, ít phụ thuộc vào cha mẹ. Chuyển từ sinh hoạt gia đình sang sinh hoạt bạn bè, tín ngưỡng để đạt được sự độc lập. Đôi khi chống đối lại cha mẹ, vì vậy các bậc phụ huynh cần quan tâm uốn nắn, nhưng phải kiên trì, mềm dẻo, linh hoạt để tránh chạm tự ái đến tổn thương tinh thần.
Về nhân cách: Trẻ cố gắng khẳng định mình như một người lớn vì vậy có những hành vi bắt chước người lớn.
Về tình cảm: Chuẩn bị cho mối quan hệ yêu đương (xuất hiện tình yêu bạn bè, khó phân biệt đâu là tình yêu, đâu là bạn bè, dễ mơ mộng, khi đổ vỡ niềm tin dễ chán nản), học cách biểu lộ tình cảm và điều khiển cảm xúc, phát triển khả năng yêu và được yêu, tỏ thái độ thân mật trong quan hệ với người khác.
Tính tích hợp: Những thông tin thu thập được từ cha mẹ, nhà trường, xã hội, bạn bè, người trung gian, các hoạt động văn hóa là cơ sở để tạo ra giá trị của bản thân tạo niềm tự tin và cách ứng xử.
Về trí tuệ: VTN/TN thường thích lập luận, suy diễn nhìn sự vật theo quan điểm lý tưởng hóa. Giai đoạn phát triển đặc biệt này chịu ảnh hưởng rất mạnh mẽ của các điều kiện văn hóa, giáo dục, kinh tế, của môi trường gia đình và xã hội, đồng thời cũng là giai đoạn gây nhiều lo ngại cho các bậc cha mẹ và cho cộng đồng.
CSSKSS đúng cách để đảm bảo sức khỏe
Tuổi VTN ở mỗi nền văn hóa có những đặc điểm riêng nhưng nói chung còn bộc lộ tính phụ thuộc, sự khủng hoảng về nhân cách và hoang mang về tâm lý như nhiều người đã nhận xét, các em đang muốn khám phá chính mình. Tuy trưởng thành về mặt cơ thể nhưng VTN vẫn cần phải được giúp đỡ, giáo dục của nhà trường, gia đình để hình thành nhân cách phát triển đúng hướng.
Khái niệm “tiền hôn nhân” là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu trưởng thành (có khả năng sinh sản) đến khi kết hôn. Một cách cụ thể hơn, từ trẻ ở tuổi VTN cho đến độ tuổi U30-40 (chưa kết hôn) đều là đối tượng thuộc giai đoạn tiền hôn nhân. Và họ đều là những người cần quan tâm đến những vấn đề thuộc nội dung CSSKSS tiền hôn nhân.
VTN/TN là thời kỳ tràn đầy hứa hẹn và hy vọng nhất của cuộc đời, là bệ phóng để phát hiện những người trẻ tuổi có năng lực, tự tin, được trang bị những kiến thức, kỹ năng tạo dựng tương lai tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây cũng có thể là thời kỳ mà mọi thứ đều sai lầm, mọi hứa hẹn và khả năng của họ đều bị đánh mất nếu sai lệch về ý thức, hành vi. Họ đang trải qua một thời kỳ chuyển tiếp đầy tiềm năng nhưng cũng rất mỏng manh. Vì vậy, lứa tuổi này cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, được sống trong một môi trường an toàn và thuận lợi để có thể phát triển và trưởng thành.
SKSS VTN lúc này đứng trước nhiều mối đe dọa. Nếu không được hướng dẫn, chăm sóc một cách đúng đắn thì hai nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng đến SKSS của VTN là tình trạng có thai ngoài ý muốn và nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cần nhận thức rõ rằng những vấn đề bức xúc hiện nay về SKSS VTN/TN liên quan đến vấn đề xã hội, đặc biệt là các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, tác động của lối sống đồi trụy, tệ ăn nhậu và văn hóa phẩm đồi trụy… Để nắm bắt và đáp ứng được những nhu cầu và mối quan tâm của VTN/TN đối với vấn đề CSSKSS, các ban ngành, đoàn thể cùng chính quyền địa phương các cấp cần có những chính sách, xây dựng các mô hình, sân chơi phù hợp với nguyện vọng của họ. Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông và tư vấn về SKSS, giáo dục giới tính, tình bạn, tình yêu và sức khỏe tình dục.
Giải pháp để có SKSS an toàn
Trước hết cần tập trung xây dựng nhân cách cho VTN/TN để nhân cách ấy phát triển phù hợp với yêu cầu, kỳ vọng của xã hội. Sự hài hòa giữa quyền lợi cá nhân và trách nhiệm xã hội. Xây dựng mối quan hệ nhân văn có trách nhiệm bình đẳng giữa nam và nữ. Yêu đương lành mạnh. Tình dục là một nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người. Nhu cầu đó cũng cần thiết như những nhu cầu khác của con người như: ăn, uống, ngủ…, là một phần làm cho cuộc sống của con người hạnh phúc hơn. Những điều đó chỉ đúng khi chúng ta có tình dục an toàn và lành mạnh.
Tình dục an toàn là những hành vi tình dục bao gồm cả hai yếu tố: Không có nguy cơ lây nhiễm bệnh và không mang thai ngoài ý muốn. Một số hành vi tình dục thường được xã hội coi là không lành mạnh như ngoại tình, quan hệ với gái mại dâm, xâm hại tình dục... Những lý do khiến VTN/TN có hành vi tình dục không an toàn: VTN/TN dễ rung động trước người bạn khác giới, những xúc cảm yêu đương phát triển nhanh và mạnh, dễ thay đổi bạn tình, không ý thức được hậu quả từ hành vi của mình.
VTN/TN có nhu cầu thử nghiệm, muốn khám phá, tò mò và khó kiềm chế khi bị kích thích; dễ bị dụ dỗ và xâm hại tình dục. Một số VTN/TN có quan hệ với gái mại dâm, chích hút ma túy... Hậu quả của tình dục không an toàn: mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, có thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ, cả về mặt tinh thần lẫn thể chất.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 250 triệu người mới bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tập trung ở lứa tuổi 20-24 và nhóm tuổi 15-19.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các bạn có được kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống tình dục của vợ chồng. Điều này sẽ tránh những sợ hãi, nghi ngờ lẫn nhau trong đêm tân hôn, hoặc giúp phòng tránh việc lây nhiễm cho nhau. Khám sức khỏe trước khi kết hôn sẽ giúp các bạn phòng tránh bệnh tật sớm nhất, phát hiện, điều trị bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống tình dục của vợ chồng sau này và ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ khi mang thai, sinh đẻ.
Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân còn giúp tránh các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho những đứa con tương lai. Khi kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, các bạn còn được hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình một cách hiệu quả, phù hợp với bản thân nhất, nhờ đó có thể kiểm soát được việc sinh con, tránh việc mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai. Nên khám trước khi cưới từ 3-6 tháng. Đó là thời gian trung bình để có thể điều trị nếu phát hiện bệnh (trừ một số bệnh không thể hoặc phải điều trị suốt đời).
Chăm sóc SKSS cho VTN/TN là một vấn đề lớn, phức tạp, tế nhị, không phải chỉ có cán bộ nhân viên ngành Y tế, Dân số mà đòi hỏi cả xã hội cùng quan tâm, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhà trường, gia đình và cả bản thân VTN/TN cùng phối hợp thực hiện.
VĂN BI (tổng hợp)