Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên, các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét… nhìn chung vẫn trong tầm kiểm soát. Điều đó cho thấy công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai hết sức chủ động, tích cực nên các ca bệnh đều được phát hiện sớm, khoanh vùng dịch tễ, bao vây, khống chế có hiệu quả. Dù sốt rét tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm 2017, nhưng số ca nặng không nhiều và đặc biệt chưa có trường hợp nào bị sốt rét ác tính.
Ngay từ đầu năm, ngành Y tế Phú Yên đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm “phòng hơn chống”. Đây là tư duy có tính tiên quyết trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, phòng chống dịch bệnh nói riêng. Để dịch xảy ra mới chống sẽ tốn kém hơn hàng chục lần so với triển khai các biện pháp phòng bệnh.
Ví dụ: Nếu thực hiện tốt công tác phòng dịch sốt xuất huyết, không để dịch xảy ra thì chỉ tốn chi phí cho truyền thông, vận động, một lượng hóa chất để diệt muỗi (ở vùng có nguy cơ cao). Còn khi dịch sốt xuất huyết xảy ra sẽ tốn rất nhiều kinh phí từ truyền thông, hóa chất, thuốc men, trang thiết bị, ngày công chăm sóc, điều trị… Các chi phí này gấp hàng chục lần chi phí phòng dịch.
Vì vậy, chủ động phòng dịch là hết sức quan trọng, nhất là khi thời tiết có sự chuyển biến bất thường như hiện nay. Sau một thời gian nắng nóng kéo dài, mưa xuống làm cho nhiệt độ giảm, độ ẩm cao, gió lạnh… làm sức đề kháng của mỗi người giảm; côn trùng lại phát triển mạnh. Đây chính là các yếu tố nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh.
Để dịch bệnh không xảy ra, trước hết mọi người cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng, không lơ là, chủ quan hay làm qua loa. Các cấp chính quyền chủ động triển khai các biện pháp dự phòng, huy động mọi người dân tham gia tích cực các hoạt động phòng dịch. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông tại địa phương; tăng cường truyền thông trực tiếp tại các cộng đồng dân cư: đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến tận những vùng xa xôi hẻo lánh để vận động…
Mỗi người cần mặc ấm, giữ ấm vùng cổ, ngực, mũi họng, đi ra ngoài cần mặc áo mưa dù mưa rất nhỏ; ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể; khi làm việc ngoài trời mưa cần chú ý an toàn lao động; đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, không ăn thức ăn nguội lạnh; tuyệt đối phải ăn chín uống chín; ngủ đủ giấc, đảm bảo 7-8 giờ mỗi ngày; không thức quá khuya hay dậy quá sớm, nhất là những người có các bệnh mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường, hen phế quản.
Các cơ sở y tế cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong các hoạt động phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn dân cư; đẩy mạnh hoạt động truyền thông tại các cơ sở y tế trong các hoạt động khám chữa bệnh; thực hiện đúng quy trình chuyên môn theo hướng dẫn đã ban hành.
Trong truyền thông cần tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, như: vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi, đề phòng muỗi đốt; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi cầm nắm các dụng cụ, trước và sau khi chăm sóc trẻ; ăn chín, uống chín để phòng bệnh tay chân miệng và các bệnh tiêu hóa khác; sử dụng nước sạch để chế biến thức ăn, nhất là ở những nơi dễ bị ngập lụt; xử lý tốt phân, nước, rác…, không để ô nhiễm môi trường.
Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh! Trước hết, hãy thay đổi tư duy dự phòng chủ động không để dịch bệnh xảy ra.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên