Đến tháng 1/2019, bệnh nhân AIDS sẽ chuyển dần điều trị từ chương trình dự án sang nguồn bảo hiểm y tế (BHYT). Đây có thể xem là bước ngoặt quan trọng trong điều kiện nguồn ngân sách ngày càng bị cắt giảm.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) khẳng định: Việc chuyển đổi này nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính bền vững cho việc tiếp cận thuốc ARV cho người nhiễm HIV trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế đang giảm dần và có thể sẽ chấm dứt hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp sau năm 2020.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188 quy định việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc chuyển đổi này.
Trước khi có chủ trương chuyển đổi, tỉ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT rất thấp. Đây là một rào cản khiến cho người bệnh có thể gián đoạn điều trị. Để người bệnh hiểu rõ về lợi ích của BHYT, Bộ Y tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông bằng các kênh truyền thông trực tiếp và đại chúng nhằm cung cấp thông tin về lợi ích của điều trị ARV, lợi ích của điều trị ARV sớm, lợi ích và quyền lợi khi tham gia BHYT tới người nhiễm HIV nhằm khuyến khích, vận động người nhiễm HIV tự tham gia BHYT.
Các nhân viên y tế đã được cung cấp đầy đủ thông tin về BHYT và điều trị ARV, đồng thời được tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng tư vấn, truyền thông, giáo dục cho người nhiễm HIV về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT và tự nguyện tham gia BHYT. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian, tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng, từ 30% (năm 2015) tăng lên 89% hiện nay.
Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT. Đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến, hỗ trợ các địa phương huy động nguồn ngân sách địa phương và các chương trình, dự án hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV.
Các cơ sở điều trị đã rất tích cực tư vấn, truyền thông và hỗ trợ người nhiễm HIV tự nguyện tham gia BHYT. Cơ chế tham gia BHYT cho người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân đã được giải quyết thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh.
Các cơ quan chuyên môn cũng đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo tài chính cho hỗ trợ mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Hiện nay, 35 tỉnh, thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ BHYT (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV).
18 tỉnh, thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Dự án Quỹ Toàn cầu đã bố trí hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh trong dự án và 16 tỉnh ngoài dự án. Như vậy, có 50 tỉnh đã được đảm bảo kinh phí cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV.
Bên cạnh việc vận động người bệnh tham gia BHYT, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiện toàn các cơ sở điều trị để có đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án, đối tác quốc tế, đến nay hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS đã được kiện toàn để ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.
Tính đến ngày 31/10, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Trong 190 cơ sở được lựa chọn để cung cấp thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019 thì 186/190 cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, sẵn sàng nhận thuốc ARV nguồn BHYT vào năm 2019. Các cơ sở còn lại đang khẩn trương hoàn thiện công tác kiện toàn, ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trước ngày 1/1/2019.
Để quản lý thông tin, Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ việc theo dõi, thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.
NGỌC VIỆT