Cao huyết áp (cao HA) - một bệnh lý không lây nhiễm đang có xu hướng gia tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bệnh diễn biến thầm lặng, nhiều khi không có dấu hiệu rõ ràng nhưng gây nhiều biến chứng hết sức nặng nề các cơ quan như tim, não, thận và mắt, nếu không được điều trị và theo dõi đúng. Chính vì vậy, phát hiện sớm, quản lý tốt các bệnh nhân có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng ngừa biến chứng của cao HA.
Số liệu thống kê cho thấy, cao HA ở Việt Nam chiếm khoảng 11% dân số và 1/4 người trưởng thành bị cao HA. Đáng lo ngại là 95% bệnh nhân bị cao HA không tìm được nguyên nhân (gọi là cao HA tiên phát hay cao HA không rõ nguyên nhân), chỉ 5% trường hợp cao HA tìm được nguyên nhân (cao HA thứ phát). Khi không tìm được nguyên nhân thì việc điều trị trở nên khó khăn, phức tạp hơn. Chính vì vậy, khi bị cao HA, bệnh nhân cần phải được theo dõi và điều trị sớm, lâu dài.
Nhiều người đang bình thường bỗng nhiên hoa mắt chóng mặt, ngã xuống và hôn mê, có trường hợp đang bình thường bỗng nhiên thấy đau thắt ngực trái, khuỵu xuống và tử vong hay đau đầu dữ dội và hôn mê sâu, tử vong sau đó… Những biểu hiện đó, chúng ta hay gọi chung là “đột quỵ” - chính là các biến chứng cấp của cao HA. Ngoài đột quỵ, biến chứng của cao HA còn rất nhiều như hẹp lòng mạch, nhất là mạch vành, gây thiếu máu cơ tim, phình mạch não, suy thận, giảm thị lực do tổn thương vi mạch ở mắt…
Theo thống kê, trên thế giới mỗi năm có 7 triệu người tử vong do nhồi máu cơ tim, nguyên nhân gây nên do các bệnh lý về tim mạch, trong đó chủ yếu là do cao HA. Sự sống của con người chỉ tồn tại khi tất cả các cơ quan trong cơ thể được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và oxy; oxy được máu đưa đến các tế bào nhờ tim co bóp tống máu vào hệ thống động mạch, sau khi tế bào nhận oxy và trao đổi chất, máu lại đem các chất thải của quá trình chuyển hóa, trong đó có khí CO2 theo tĩnh mạch trở về tim. Quá trình chuyển máu đi và nhận máu về của tim thông qua hoạt động của cơ tim. Cứ mỗi phút quả tim đập từ 70-80 lần, mỗi ngày đập từ 110.000-120.000 lần.
Nếu tim không cung cấp đủ máu cho cơ quan, bộ phận nào đó thì cơ quan, bộ phận đó thiếu oxy và có nguy cơ hoại tử. Cơ tim cũng cần có oxy để hoạt động. Vì vậy khi cơ tim bị thiếu oxy, hoạt động của tim sẽ rối loạn; nếu thiếu nhiều thì cơ tim bị hoại tử, dẫn đến thiếu máu cung cấp cho toàn bộ cơ thể và bệnh nhân sẽ tử vong.
Cơ tim được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch vành gồm động mạch vành phải và động mạch vành trái. Các động mạch vành sẽ chia nhỏ thành hệ thống mạch máu nhỏ nuôi các cơ tim; khi các mạch máu nuôi dưỡng quả tim bị hẹp sẽ làm cho các cơ tim ở dưới đó bị thiếu máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi bị các bệnh lý tim mạch, các mạch máu nhỏ bị tổn thương trước, sau đó mới đến các mạch máu lớn hơn. Nhận thức được vấn đề này, chúng ta cần phát hiện và can thiệp càng sớm càng tốt các bệnh lý về tim mạch.
Có nhiều nguyên nhân làm các mạch máu bị hẹp, tắc, từ xơ vữa mạch máu do rối loạn chuyển hóa mỡ, chuyển hóa đường làm tăng cholesterol, trigliceride, glucose trong máu dẫn đến lắng đọng lên thành mạch máu làm thành mạch dày lên và xơ hóa. Khi thành mạch dày lên và xơ hóa, mạch máu kém đàn hồi, trở nên dễ tắc nghẽn và có thể vỡ nếu áp lực máu tăng. Dễ tổn thương nhất là các mạch máu ở tim, não, thận và mắt. Nếu mạch máu nuôi tim bị tổn thương (hẹp hoặc tắc) thì rất dễ bị cơn đau tim (đau thắt ngực) và nặng hơn là dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nếu mạch máu ở não bị tổn thương gây nhồi máu não hay xuất huyết não. Những tai biến đột ngột này được gọi là đột quỵ.
Hầu hết các trường hợp đột quỵ xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh; nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, bệnh nhân rất dễ tử vong. Vì vậy việc theo dõi, quản lý tốt các bệnh lý tim mạch nói chung, cao HA nói riêng có ý nghĩa rất lớn trong phòng ngừa đột quỵ. Những bệnh nhân bị các bệnh lý về tim mạch và cao HA cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt, thể dục thể thao phù hợp theo sự khuyến cáo của thầy thuốc.
Cần hạn chế mỡ động vật, ăn nhiều hoa quả, rau xanh để tăng lượng xơ, hạn chế tối đa lượng muối hàng ngày (nên ăn dưới 5g muối/ngày), hạn chế tối đa bia, rượu; tập luyện thể dục thể thao tùy tuổi, mức độ cao HA và mục đích của việc luyện tập. Đặc biệt, cần có lối sống lành mạnh, vui vẻ, tránh lo âu phiền muộn, hạn chế tối đa các tác động tâm lý mang tính tiêu cực; luôn luôn tạo ra tâm lý thoải mái trong cuộc sống, suy nghĩ theo hướng tích cực để giảm thiểu các sang chấn tâm lý.
Các bác sĩ tim mạch khuyến cáo: Những người đã bị cao HA cần chú ý phát hiện sớm những cơn đau thắt ngực để phòng nhồi máu cơ tim. Cơn đau thắt ngực thường có biểu hiện phổ biến nhất là cảm giác đau tức ngực do cơ tim bị thiếu oxy, bệnh nhân mô tả cảm giác đau như bị bóp nghẹt, cơn đau có thể lan tới cánh tay trái, hàm, lưng hoặc bụng.
Tất nhiên không phải trường hợp nào cũng đột ngột và như mô tả; có trường hợp bệnh nhân chỉ cảm thấy buồn nôn hoặc khó thở; ở người già và phụ nữ có khi chỉ cảm thấy mệt và yếu; có những trường hợp bệnh diễn tiến khá âm thầm. Ở những bệnh nhân đái tháo đường, do thần kinh cảm giác bị ảnh hưởng nên rối loạn dẫn truyền cảm giác, vì vậy triệu chứng đau không rõ ràng.
Trước một bệnh nhân nghi ngờ có cơn đau thắt ngực, cần phải phản ứng nhanh: Gọi cho dịch vụ cấp cứu nếu có thể - đây là cách nhanh nhất để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Có thể cho dùng các thuốc như aspirin, nitroglycerin để giúp ngăn chặn cơn đau trở nên tồi tệ hơn trước khi bệnh nhân được đưa tới các cơ sở y tế có đủ điều kiện để điều trị.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên