Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ bị bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây lan.
Một bệnh nhi tay chân miệng đang được theo dõi tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: QUỐC HỘI |
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên, toàn tỉnh đã phát hiện 331 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, số ca mắc rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố. Một số địa phương có số ca mắc bệnh cao như TP Tuy Hòa (65 ca), huyện Phú Hòa (74 ca), huyện Đông Hòa (60 ca), huyện Tuy An (48 ca). Đặc biệt, ngày 15/11, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên tiếp nhận một bệnh nhi sinh năm 2016 ở xã An Ninh Tây (huyện Tuy An), chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ III-IV. Bệnh nhi đang được điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, tiên lượng bệnh diễn biến nặng, khó điều trị và đang trong tình trạng hôn mê, phải thở máy.
Trước mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, Sở Y tế Phú Yên yêu cầu lãnh đạo các đơn vị y tế khẩn trương, quyết liệt thực hiện một số giải pháp để phòng bệnh và pháthiện sớm ca bệnh; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Cần lưu ý đối với các địa bàn TP Tuy Hòa và các huyện có số ca mắc bệnh tăng cao. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.
Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh.
Kiện toàn các đội cơ động chống dịch, cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới khi cần thiết. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp để khắc phục các tồn tại của địa phương, đồng thời tập trung các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tăng cường công tác khám, phân loại điều trị bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo tại các cơ sở điều trị. Riêng đối với Trung tâm Y tế huyện Tuy An, khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện giám sát, điều tra nhằm kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh mới phát sinh ở xóm Cây Bàng, thôn 7, xã An Ninh Tây và trên địa bàn huyện. Kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Trước tình hình gia tăng bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế Phú Yên đưa ra một số khuyến cáo đối với người dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tay chân miệng tại nhà:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và lẫn trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
QUỐC HỘI
(Trung tâm TTGDSK tỉnh)