Tại Phú Yên, bệnh sốt rét tăng mạnh với hơn 200 ca mắc từ đầu năm đến nay; bệnh nhân hầu hết là những người mưu sinh trong rừng, rẫy. Đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường máu, chủ yếu do muỗi Anopheles, và có thể gây thành dịch. Cần phải làm gì nếu có những biểu hiện nghi ngờ sốt rét; việc điều trị và phòng chống bệnh truyền nhiễm này như thế nào? Báo Phú Yên phỏng vấn BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên về những mối quan tâm trên.
BSCKII Nguyễn Thành Lãm |
* Đâu là những biểu hiện nghi ngờ sốt rét, thưa bác sĩ?
- Chúng ta cần nghĩ đến chẩn đoán sốt rét khi bệnh nhân bị sốt, có thể là sốt cơn điển hình, lâm sàng có cơn rét run, sau đó sốt nóng rồi vã mồ hôi, xảy ra vào một giờ nhất định trong ngày, có thể mỗi ngày một lần hoặc hai, ba ngày một lần, hoặc có thể sốt không điển hình, bệnh nhân chỉ có cảm giác ớn lạnh, gai sốt, mà người đó đang ở hoặc đã đến vùng sốt rét lưu hành trong thời gian ít nhất là 14 ngày hoặc có tiền sử mắc sốt rét trong vòng 2 năm gần đây.
Khi nghi ngờ mắc sốt rét, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm kéo lam tìm ký sinh trùng sốt rét hoặc test nhanh tìm kháng nguyên ký sinh trùng sốt rét trong máu. Nếu mắc sốt rét thì phải điều trị sớm để lành bệnh, ngăn ngừa sốt rét biến chứng - ác tính, tránh tái phát và hạn chế lây lan cho cộng đồng.
* Bác sĩ có thể cho biết những kỹ thuật xác định ký sinh trùng sốt rét?
- Phổ biến trong việc phát hiện ký sinh trùng sốt rét là kỹ thuật xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa, thường gọi là kéo lam tìm ký sinh trùng sốt rét. Kỹ thuật này không chỉ giúp thầy thuốc chẩn đoán mà còn giúp theo dõi và đánh giá kết quả điều trị, vì đo được mật độ của ký sinh trùng sốt rét.
Trường hợp cần chẩn đoán nhanh thì làm các test nhanh tìm kháng nguyên ký sinh trùng sốt rét trong máu; test nhanh cũng có độ chính xác cao nhưng chỉ giúp chẩn đoán chứ không giúp theo dõi điều trị. Trong chẩn đoán sốt rét còn có kỹ thuật sinh học phân tử giúp xác định gen của ký sinh trùng sốt rét trong máu, chủ yếu áp dụng để nghiên cứu sâu về sốt rét
* Hiệu quả của việc điều trị bệnh sốt rét hiện nay như thế nào?
- Trước khi điều trị sốt rét, chúng ta phải đánh giá được đó là sốt rét thường, tức sốt rét chưa biến chứng hay sốt rét biến chứng - ác tính, từ đó có định hướng điều trị. Nếu bệnh nhân sốt, xét nghiệm kéo lam tìm ký sinh trùng sốt rét có kết quả dương tính, hoặc được chẩn đoán sốt rét lâm sàng, ngoài ra không có những dấu hiệu đe dọa tính mạng thì đó là sốt rét thường; tùy vào loài ký sinh trùng mà có phác đồ điều trị riêng.
Còn nếu bệnh nhân được chẩn đoán sốt rét có các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính như sốt cao liên tục, rối loạn ý thức thoáng qua (li bì, cuồng sảng, vật vã...), hoặc bệnh nhân đau đầu dữ dội, nôn mửa hoặc tiêu chảy nhiều lần trong ngày, hoặc thiếu máu nặng, kết quả xét nghiệm thấy mật độ ký sinh trùng sốt rét cao thì cần điều trị ngay như là điều trị sốt rét ác tính.
Còn khi chẩn đoán sốt rét ác tính, nghĩa là có dấu hiệu đe dọa tính mạng thì y tế cơ sở phải xử trí ban đầu bằng thuốc kháng sốt rét đường tĩnh mạch khi có điều kiện và chuyển nhanh bệnh nhân đến đơn vị hồi sức cấp cứu của bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, theo dõi chặt chẽ và hồi sức tích cực.
Nhiều trường hợp bệnh nhân mắc sốt rét lần đầu, rất nhanh chuyển sang thể nặng. Chính vì vậy, bệnh sốt rét cần được phát hiện và điều trị sớm. Đối với những trường hợp có triệu chứng sốt rét ác tính, chúng ta phải sử dụng thuốc kháng sốt rét đường tiêm, ví dụ Artesunate hoặc Quinin đường tĩnh mạch, Artemether tiêm bắp sâu, sau đó tùy đáp ứng lâm sàng mới chuyển sang dùng thuốc viên theo đường uống theo phác đồ của Bộ Y tế. Bệnh nhân phải được điều trị đúng phác đồ, uống thuốc đủ liều, hàng ngày xét nghiệm máu kiểm tra ký sinh trùng sốt rét, đến khi nào âm tính, lâm sàng ổn định thì mới được ra viện.
Hiện nay nói chung ký sinh trùng sốt rét ở Phú Yên còn nhạy cảm với thuốc kháng sốt rét trong phác đồ nên hiệu quả điều trị còn cao. Tuy nhiên trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam đã xuất hiện ký sinh trùng sốt rét kháng với hầu hết các thuốc đang sử dụng, trong đó có thuốc artemisinin và dẫn chất. Do đó chúng ta cần cảnh giác.
* Nguy cơ tái phát sốt rét có cao hay không, thưa bác sĩ?
- Bệnh nhân mắc sốt rét có nguy cơ tái phát cao trong trường hợp điều trị không đúng phác đồ, ví dụ như tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng sốt rét P.vivax mà lại không dùng Primaquin đủ liều để chống tái phát. Cũng có trường hợp điều trị đúng phác đồ, nhưng khi uống thuốc vào thì bệnh nhân nôn ra mà chúng ta không biết, cứ nghĩ họ uống đủ liều nhưng thực tế thì lượng thuốc vào cơ thể họ không đủ. Trường hợp này dẫn đến nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hoặc có nguy cơ tái phát. Do vậy thầy thuốc phải lưu ý, nếu bệnh nhân bị nôn trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, thì phải uống liều khác thay thế hoặc dùng thuốc dạng tiêm.
* Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân sống ở vùng lưu hành sốt rét hoặc đi đến nơi sốt rét lưu hành?
- Rất tiếc là nhiều người sống hoặc đi đến vùng sốt rét lưu hành dường như quên rằng cần phải ngủ trong mùng, trong khi việc ngủ trong mùng thường xuyên, và mùng này có tẩm hóa chất diệt muỗi giúp phòng ngừa sốt rét rất tốt. Khi bị sốt, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được làm xét nghiệm chẩn đoán sốt rét. Một thời gian dài chúng ta không có dịch sốt rét nên nhiều khi nhân viên y tế cũng quên mất và bỏ sót chẩn đoán. Do đó tất cả nhân viên y tế cần nghĩ đến chẩn đoán sốt rét trước bất kỳ bệnh nhân nào có sốt, đặc biệt là có kèm yếu tố dịch tễ sốt rét như đã nêu trên.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)