Có đứa con duy nhất, chị N.T.L ở phường 8 (TP Tuy Hòa) dành sự quan tâm đặc biệt cho con. Khi bé A vừa qua sinh nhật lần thứ 7, chị L ngỡ ngàng nhận ra ngực con bắt đầu phát triển.
Bối rối và lo lắng, chị lên mạng tìm hiểu thì biết đó là dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì ở bé gái. “Tôi không thể nào tin được, con bé chỉ mới học lớp 2 cơ mà”, chị L nhớ lại cảm giác của mình lúc đó. Người mẹ tức tốc đưa con đến khám ở Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Và chị đã lặng đi một lúc lâu khi bé A được bác sĩ chẩn đoán dậy thì sớm. Con gái chị L được làm thủ tục chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh).
Bé A không phải là bệnh nhân cá biệt khi có những dấu hiệu dậy thì lúc vừa lên 7. Bé M.A mới 3 tuổi thì ngực đã phát triển bất thường. Nghĩ rằng con mình có khối u ở ngực, chị L.N.T.H, mẹ bé, vội vã đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 để kiểm tra. Sau khi bác sĩ khám, chụp X-quang, siêu âm và tiến hành một loạt xét nghiệm, chị H choáng váng biết con mình bị dậy thì sớm, do một khối u trong cơ thể. “Nghe bác sĩ nói, nước mắt tôi cứ vậy mà trào ra. Sao con tôi lại mắc phải căn bệnh lạ lùng này, nó mới có 3 tuổi”, chị H nghẹn ngào.
Bác sĩ Hồ Phước Quế Như, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên cho biết, một số đứa trẻ được gia đình đưa đến bệnh viện khám thì phát hiện các dấu hiệu dậy thì sớm; có trẻ trước đó đã khám ở cơ sở y tế tư nhân rồi được cha mẹ đưa đến bệnh viện để kiểm tra lại, nếu chẩn đoán dậy thì sớm thì sẽ chuyển viện.
“Muốn xác định một đứa trẻ dậy thì sớm cần tiến hành nhiều xét nghiệm, và trong nhiều trường hợp điều trị dậy thì sớm có sử dụng thuốc nội tiết. Chỉ các bác sĩ chuyên khoa mới có thể chỉ định và theo dõi việc điều trị này”, bác sĩ Quế Như cho biết. Cũng theo bác sĩ Quế Như, được phát hiện dậy thì sớm đa số là bé gái, vì có những biểu hiện dễ nhận thấy.
“Vẫn có những trường hợp dậy thì sớm ở bé trai, tuy nhiên dấu hiệu không rõ ràng như ở bé gái”, bác sĩ Quế Như nói. Được biết, tháng nào Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên cũng có những đứa trẻ được gia đình đưa đến khám vì nghi ngờ dậy thì sớm và trẻ bị dậy thì sớm đến làm thủ tục chuyển viện tái khám định kỳ, bình quân gần 10 bệnh nhi mỗi tháng.
Theo các chuyên gia nội tiết, tuổi dậy thì thường bắt đầu ở trẻ em gái từ 8 đến 12 tuổi, ở các bé trai từ 9 đến 14 tuổi. Ngoài những dấu hiệu đặc trưng như vú phát triển, xuất hiện kinh nguyệt (ở bé gái), phát triển cơ quan sinh dục, xuất hiện râu, giọng nói thay đổi (ở bé trai), dậy thì còn có các dấu hiệu chung như xuất hiện lông mu hoặc nách, tăng trưởng chiều cao nhanh, xuất hiện mụn trứng cá... Dậy thì sớm là khi các dấu hiệu dậy thì xuất hiện trước 8 tuổi (ở bé gái) và trước 9 tuổi (ở bé trai).
Y văn chia dậy thì sớm thành hai loại: dậy thì sớm trung ương (trung tâm) và dậy thì sớm ngoại vi. Dậy thì sớm trung ương do nồng độ GnRH tăng cao từ sự hoạt động quá sớm của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục; cũng có thể do khối u trong não hoặc tủy sống, viêm não hay viêm màng não; bức xạ vào não hay cột sống... Dậy thì sớm ngoại vi do các hormon steroids sinh dục tăng cao bởi bệnh lý tuyến sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn) hay thượng thận; cũng có thể do bài tiết lạc chỗ các hormon hướng sinh dục, do nguồn hormon ngoại sinh quá mức... Dậy thì sớm ngoại vi ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương.
Để chẩn đoán xác định dậy thì sớm, bệnh nhi sẽ được làm một số xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang bàn tay và cổ tay để xác định tuổi xương, chụp cộng hưởng từ cho trẻ dậy thì sớm trung ương để kiểm tra xem não có gì bất thường... Theo các bác sĩ nội tiết, hầu hết trẻ em bị dậy thì sớm trung ương có thể điều trị St-RH: hàng tháng tiêm một mũi thuốc cho đến tuổi dậy thì bình thường. Trường hợp trẻ dậy thì sớm do khối u, u nang buồng trứng tuyến thượng thận... thì sẽ được phẫu thuật cắt bỏ và kiểm tra định kỳ.
Theo bác sĩ Quế Như, nếu mẹ cha chú ý đến con mình một chút thì sẽ nhận ra những dấu hiệu của dậy thì sớm và hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, theo dõi, điều trị. “Nhiều trường hợp rất đáng tiếc, khi bé gái có kinh nguyệt thì mẹ mới nhận ra. Vì vậy, cha mẹ hãy quan tâm đến con mình nhiều hơn, chú ý đến sự phát triển về tâm lý, sinh lý của trẻ”, bác sĩ Quế Như nói.
Dậy thì sớm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý của trẻ, như: ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành, có thể dẫn đến buồng trứng đa nang (ở bé gái), trẻ có những ham muốn về sinh lý trước tuổi... Để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ dậy thì sớm, lời khuyên của các chuyên gia là không để cơ thể dư thừa lượng mỡ, tăng cường vận động thể lực, tập thể dục thể thao, đặc biệt là các bài tập có lợi cho sự phát triển chiều cao như nhảy dây, kéo xà ngang, nhảy cao, bơi lội, đá cầu…; cho trẻ ngủ đủ giấc, không thức khuya; tránh cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá mức, vì tia cực tím cũng có thể thúc đẩy sự phát triển giới tính dẫn đến dậy thì sớm. Riêng về chế độ ăn, tránh thức ăn bổ sung dinh dưỡng, bồi bổ quá mức như đông trùng hạ thảo, nhân sâm, sữa ong chúa...; hạn chế cho trẻ ăn những món thịt từ gia súc gia cầm có sử dụng chất tăng trọng; không nên cho trẻ ăn trái cây và rau củ quả trái mùa vì hầu hết đều sử dụng chất bảo vệ thực vật, thúc đẩy sinh trưởng; tránh thức ăn chiên xào với nhiều dầu mỡ; tránh các loại thực phẩm có nhiều chất béo và lượng đường cao như sôcôla, các loại bánh ngọt và đồ uống ngọt. |
YÊN LAN