Thứ Hai, 25/11/2024 03:35 SA
Điều trị Methadone: Đúng hướng và đạt hiệu quả
Thứ Hai, 29/10/2018 10:26 SA

Bệnh nhân uống Methadone tại một điểm cấp phát thuốc - Ảnh: Internet

Việt Nam triển khai điều trị thay thế nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng Methadone đến nay tròn 10 năm. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, một trong những người tham gia mở đường cho công tác điều trị Methadone ở Việt Nam, chương trình đang đi đúng hướng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

 

Việt Nam thực hiện thí điểm chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone từ năm 2008 tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Chương trình thí điểm cho thấy điều trị Methadone rất hiệu quả trong việc kiểm soát nghiện heroin và đã được chấp thuận để mở rộng dịch vụ ra các tỉnh, thành khác trong cả nước.

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện ma túy tại cộng đồng và có kiểm soát, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai điều trị Methadone.

 

Bộ cử các đơn vị đầu mối phối hợp, tham gia các đoàn giám sát của Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đi kiểm tra tình hình triển khai điều trị Methadone tại nhiều địa phương, đơn vị trên toàn quốc, qua đó tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai mở rộng điều trị Methadone.

 

Ngoài ra, nhằm tăng cường năng lực cho cán bộ y tế làm công tác điều trị nghiện ma túy, Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn, đồng thời chỉ đạo sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều lớp tập huấn về chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy nhóm chất dạng thuốc phiện, ma túy tổng hợp cho cán bộ y tế có nhiệm vụ, thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy, cán bộ làm công tác điều trị nghiện ma túy.

 

Với những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống, chương trình điều trị Methadone đã được mở rộng và phát triển nhanh trong những năm qua, tăng từ hơn 1.700 người bệnh với 6 cơ sở điều trị năm 2009 lên đến gần 52.100 bệnh nhân được điều trị tại 294 cơ sở điều trị Methadone, đạt 65% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Chương trình đã mở rộng cấp phát thuốc tại 216 điểm thuộc tuyến xã ở 23 tỉnh, cấp phát thuốc cho 22% tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone.

 

Ở các tỉnh miền núi như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, có đến 40-50% bệnh nhân uống thuốc Methadone tại xã. Trong số 294 cơ sở điều trị Methadone có 25 cơ sở điều trị Methadone do ngành LĐ-TB-XH quản lý tại 16 tỉnh, thành phố. Năm 2015, chương trình triển khai thí điểm điều trị Methadone cho 29 bệnh nhân trong Trại giam Phú Xuân tại tỉnh Thái Nguyên, đến nay còn duy trì 12 bệnh nhân và 15 bệnh nhân đã ra trại.

 

Tại Phú Yên, đề án triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone có tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thực hiện từ tháng 12/2016, đến nay đã điều trị cho 73 bệnh nhân, hiện còn 64 bệnh nhân tiếp tục điều trị.

 

Nói về hiệu quả của chương trình Methadone trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: Chương trình đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Trước khi tham gia điều trị, 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỉ lệ này chỉ còn 15,87%.

 

Trước điều trị, hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng heroin rất cao; 93,6% bệnh nhân sử dụng trên 3-5 lần/ngày. Tuy nhiên, sau 24 tháng điều trị Methadone, không có bệnh nhân nào sử dụng từ 2 lần/ngày trở lên. Và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ từ 2-3 lần/tháng.

 

Bệnh nhân đã giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV. Nếu trước điều trị, trên 86,9% số bệnh nhân có hành vi tiêm chích ma túy thì sau 24 tháng giảm xuống còn 42,4% trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng ma túy.

 

Những thay đổi tích cực về giảm tỉ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm và tăng tỉ lệ thường xuyên sử dụng bao cao su góp phần quan trọng trong việc giảm lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị như viêm gan B, C, giang mai. Sau 24 tháng tham gia điều trị, chỉ phát hiện một trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số gần 1.000 bệnh nhân nghiên cứu. Bệnh nhân tham gia chương trình Methadone đã có sự cải thiện về mặt sức khỏe. Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, tâm thần và chất lượng cuộc sống.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long rất tâm đắc với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều trị Methadone. Ông cho biết: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn Viettel thiết kế, xây dựng phần mềm quản lý điều trị Methadone trực tuyến để áp dụng trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo các tiêu chí: là hệ thống thông minh, an toàn, không giấy; lấy người bệnh và cán bộ y tế làm trung tâm.

 

Mỗi bệnh nhân được cấp một mã nhận diện (ID) để quản lý toàn bộ quá trình điều trị. Với mã nhận diện này, người bệnh có thể uống thuốc tại bất kỳ cơ sở điều trị Methadone nào trên toàn quốc, có thể hẹn lịch đến uống thuốc để tránh chờ đợi.

 

Với cán bộ y tế tại cơ sở điều trị Methadone và cơ quan quản lý, đây là công cụ quản lý hữu hiệu, nâng cao hiệu suất lao động và tạo môi trường làm việc hiện đại, giảm thiểu các thủ tục hành chính, hồ sơ bệnh án, sổ sách, thống kê báo cáo vốn tốn rất nhiều thời gian và công sức.

 

Từ tháng 8/2017 đến nay, TP Hà Nội đã thí điểm triển khai phần mềm tại 18 cơ sở điều trị Methadone. Hàng ngày có trên 5.000 bệnh nhân uống thuốc được quản lý qua phần mềm... Từ thực tiễn quá trình thí điểm, Bộ Y tế sẽ hoàn thiện hệ thống, đánh giá hiệu quả để triển khai mở rộng ra các cơ sở điều trị khác trên phạm vi toàn quốc.

 

Chương trình Methadone đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội. Tỉ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống chỉ còn 1,34% sau 24 tháng tham gia vào chương trình điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi bệnh nhân tham gia điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân có các hành vi bán, cầm cố đồ đạc, nói dối hoặc thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm nhanh chóng, từ 90,3% trước điều trị xuống 2,27% sau 24 tháng điều trị.

 

Bên cạnh đó, chương trình mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế cho cá nhân, gia đình người bệnh và toàn xã hội. Tỉ lệ bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4%, đã tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị. Nếu không tham gia điều trị nghiện các các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, trung bình một người bệnh tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (tức khoảng 84 triệu đồng/năm). Trong khi đó, chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân chỉ khoảng 6-8 triệu đồng/năm. Chương trình đang điều trị cho hơn 52.800 bệnh nhân thì đã tiết kiệm được chi phí trực tiếp khoảng 4.120 tỉ đồng/năm.

 

NGỌC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek