Thứ Hai, 07/10/2024 11:20 SA
Can thiệp mạch vành cho bệnh nhân cao tuổi:
Nguy cơ thủ thuật cao, song lợi ích vô cùng to lớn
Thứ Hai, 22/10/2018 13:00 CH

Ê kíp can thiệp của hai bệnh viện can thiệp mạch vành cho bệnh nhân L.T.Q - Ảnh: YÊN LAN

Bị nhồi máu cơ tim, bà L.T.Q (87 tuổi, ở xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa) nhập viện vào ngày 19/10, đúng lúc các chuyên gia Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh tiếp tục chuyển giao kỹ thuật can thiệp mạch vành cho Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

 

Kết quả chụp động mạch vành (hệ thống mạch máu trên bề mặt quả tim, có chức năng cung cấp máu nuôi dưỡng quả tim) bằng thiết bị DSA cho thấy động mạch vành của bệnh nhân bị xơ vữa, vôi hóa lan tỏa. Động mạch vành phải tổn thương hẹp dài lan tỏa từ đoạn gần đến xa (70-95%), đây chính là tổn thương thủ phạm gây ra bệnh cảnh nhồi máu cơ tim hiện tại.

 

Động mạch vành trái, nhánh liên thất trước tổn thương hẹp dài lan tỏa từ lỗ đến đoạn giữa (70-90%); động mạch mũ tổn thương khoảng 60%. Sau khi thông báo tình trạng tổn thương và giải thích rõ cho gia đình bệnh nhân, ê kíp can thiệp tiến hành điều trị tái tưới máu cơ tim cho bệnh nhân bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da.

 

Thủ thuật viên gây tê rồi mở một lỗ nhỏ trên da, đưa một ống thông nhỏ vào động mạch đùi bệnh nhân, sau đó đưa dây dẫn qua tổn thương và neo ở đoạn xa. Tiếp theo, thủ thuật viên dùng bóng nong mở rộng tổn thương và đặt stent vào vùng tổn thương từ đoạn gần đến đoạn giữa động mạch vành phải, rồi dùng bóng nong lại trong stent. Chụp kiểm tra, ê kíp can thiệp thấy không hẹp tồn lưu trong đoạn đặt stent.

 

Sau khi mở được vị trí bị hẹp dài trên động mạch vành phải, ê kíp tiến hành can thiệp tiếp động mạch liên thất trước - là tổn thương góp phần làm nặng tình trạng của bệnh nhân. Lúc này, bệnh nhân cao tuổi nằm trên bàn thông tim bắt đầu nói chuyện. Bà cụ liên tục thắc mắc vì sao bà nằm ở đây, mấy đứa (ý nói ê kíp can thiệp) là ai, ở đâu, còn sắp nhỏ của bà đâu sao không thấy.

 

Bà nói rằng đã bớt mệt hơn trước rất nhiều. Giờ bà thấy mỏi, muốn… ngồi dậy và gặp các con! Ê kíp vừa can thiệp vừa động viên bệnh nhân nằm yên để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị tái tưới máu cơ tim.

 

Dần dần như hiểu ra, bà Q nói: “Chắc tui bệnh nặng quá nên sắp nhỏ mới đưa vô đây”. Rồi, có vẻ như sau một hồi suy nghĩ, bà cụ gởi gắm: “Bệnh tôi chắc nặng lắm, có gì mong các bác sĩ cứu chữa”. Đó cũng là lúc ca can thiệp kết thúc thành công.

 

Chứng kiến bà cụ 87 tuổi vừa bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên thành dưới đang nằm trên bàn can thiệp hồi phục dần và nói chuyện như chưa có gì xảy ra, trong khi các bác sĩ đang dùng những dụng cụ nhỏ xíu để “chỉnh sửa” vị trí bị tắc - hẹp nặng trong lòng động mạch vành nuôi trái tim bà, người viết bài này vô cùng ấn tượng với phương pháp điều trị tái tưới máu cơ tim tiên tiến!

 

Bà Q là bệnh nhân cao tuổi nhất trong số các bệnh nhân cao tuổi được can thiệp mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vào cuối tuần qua. Ngoài bà Q, bệnh nhân N.D (78 tuổi, ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) cũng đáng chú ý.

 

Ông D bị nhồi máu cơ tim cấp cách đây 20 ngày, đã được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Kết quả chụp mạch vành cho thấy động mạch vành phải của ông bị bán tắc ngay đoạn gần. Kíp can thiệp của hai bệnh viện đã nong và đặt stent, tái thông dòng máu cho ông.

 

Bệnh mạch vành là tình trạng các động mạch vành nuôi quả tim trở nên xơ cứng và hẹp - tắc do các mảng xơ vữa tạo thành từ cholesterol và những chất khác nhau bám trên thành mạch. Dần dần, máu khó chảy qua các động mạch; cơ tim không thể nhận đủ máu hoặc oxy cần thiết.

 

Và trong bệnh cảnh cấp, mảng xơ vữa vỡ ra tạo huyết khối. Cục máu đông này sẽ chặn đứng dòng máu nuôi quả tim gây nhồi máu cơ tim, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị tái tưới máu kịp thời hoặc gây tổn thương tim nặng nề không hồi phục.

 

Theo PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp - Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, cơ chế nền của bệnh mạch vành là quá trình xơ vữa thành động mạch và sẽ được tích lũy theo thời gian. Kích thước mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành sẽ tăng dần theo tuổi tác.

 

Do đó, người cao tuổi khi bị bệnh mạch vành thì tổn thương thường rất phức tạp, tổn thương nhiều chỗ, nhiều nhánh, tổn thương vôi hóa, tổn thương thân chung, tổn thương xoắn vặn… Mạch máu đường vào (vị trí bắt đầu đặt ống dẫn mở đường đi đến động mạch vành trong tim) như động mạch đùi, động mạch quay có thể cũng bị xơ vữa.

 

Mặt khác, ngoài bệnh mạch vành, người cao tuổi còn bị suy giảm sức đề kháng và thường mắc các bệnh kèm theo như suy thận mạn, bệnh về cơ - xương - khớp, viêm dạ dày, bệnh phổi mạn tính… Tất cả những yếu tố đó làm cho nguy cơ thủ thuật cao hơn, việc can thiệp có nhiều rủi ro hơn khi can thiệp cho những người trẻ. Và trong quá trình can thiệp, nếu xảy ra tai biến thì thường là tai biến nặng, vì những cơ quan khác trong cơ thể người cao tuổi đã suy giảm hoặc có bệnh rồi.

 

Ví dụ, bệnh nhân đã bị bệnh phổi mạn tính, đã suy tim, thiếu máu…, trong quá trình can thiệp, nếu bị tụt huyết áp, choáng tim… thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Do đó, can thiệp mạch vành cho người cao tuổi dễ bị biến chứng hơn, tỉ lệ tử vong cao hơn.

 

“Vậy có nên can thiệp mạch vành cho người cao tuổi hay không? Nguyên tắc hàng đầu trong thực hành y khoa là “First do no harm” - điều đầu tiên mà người thầy thuốc làm được là không gây tổn hại thêm cho bệnh nhân.

 

Và trong y học cũng có một nguyên tắc thứ hai đã được chứng minh: Đối với những trường hợp có nguy cơ càng cao, thái độ điều trị càng tích cực sẽ mang lại lợi ích càng lớn hơn. Bệnh cảnh càng nặng, ví dụ như nhồi máu cơ tim, bệnh nhân đang tụt huyết áp, choáng tim…, nếu can thiệp được thì lợi ích vô cùng lớn cho bệnh nhân”, PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng nói.

 

Trường hợp bệnh nhân L.T.Q, nếu không can thiệp thì bà cụ dễ bị tái nhồi máu cơ tim, vì tổn thương vẫn còn đó và cơ chế nền vẫn còn đó. Khi bị nhồi máu lần hai thì bà cụ khó có thể qua khỏi. “Chúng tôi đã can thiệp, đặt 3 stent, mở được động mạch vành phải và động mạch liên thất trước, còn động mạch mũ thì không can thiệp. Chiến lược điều trị tái tưới máu cho người cao tuổi là can thiệp những gì cấp bách, cần kíp, không can thiệp nhiều quá vì sức của người cao tuổi không như người trẻ”, PGS Hồ Thượng Dũng cho biết.

 

Còn ThS-BS Phan Văn Trực, Phó Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp - Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Nếu như can thiệp cho người trẻ mình suy nghĩ một thì khi can thiệp cho người cao tuổi, mình suy nghĩ đến ba, bốn lần. Mình phải thận trọng xem xét mọi khía cạnh, cân nhắc giữa lợi ích và những yếu tố nguy cơ”.

 

Trong hai ngày chuyển giao kỹ thuật 19-20/10, các thầy thuốc hai bệnh viện đã chụp mạch vành cho 15 bệnh nhân, trong đó có 10 bệnh nhân cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), nong và đặt stent cho 7 bệnh nhân (ê kíp bác sĩ, kỹ thuật viên của Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên can thiệp 3 ca).

 

Bác sĩ trẻ Lê Duy (Đơn nguyên Tim mạch can thiệp) chia sẻ: “Can thiệp mạch vành cho bệnh nhân cao tuổi rất dễ xảy ra những biến chứng như rối loạn nhịp, tụt huyết áp… Tôi thấy được từ thầy và các đàn anh sự tự tin, quyết đoán, nhanh và đảm bảo chính xác, an toàn khi can thiệp cho bệnh nhân, đặc biệt là ở bệnh nhân cao tuổi…”.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek