Thứ Hai, 25/11/2024 05:56 SA
Mưa xuống coi chừng sốt xuất huyết
Thứ Hai, 17/09/2018 10:34 SA

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm gây dịch rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của cá nhân và cộng đồng. Bệnh do vi rút Dengue xâm nhập vào người qua vết đốt của muỗi Aedes Aegypti. Bệnh lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch lớn nếu muỗi Aedes Aegypti nhiều.

 

Nhân viên y tế phát tờ rơi tuyên truyền người dân phòng chống SXH - Ảnh: YÊN LAN

Người ta phân lập có 4 týp vi rút Dengue I, II, III và IV; trước đây chỉ 2 trong 4 týp gây bệnh nhưng gần đây chẩn đoán huyết thanh học của bệnh nhân bị SXH thì cả bốn týp vi rút trên đều gây bệnh. Điều này cho thấy diễn biến của bệnh SXH nói chung, dịch SXH nói riêng ngày càng phức tạp cả trong điều trị lẫn phòng, chống dịch bệnh.

 

Trước đây, SXH thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi và những trẻ bụ bẫm thường sốc nặng hơn so với các trẻ khác. Tuy nhiên gần đây, SXH gặp nhiều ở người trưởng thành và tỉ lệ sốc ở người trưởng thành khá cao.

 

SXH không phải là dịch bệnh mới. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, dịch SXH xảy ra nhiều trên thế giới và các nhà khoa học đã nghiên cứu về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán cũng như các biện pháp dự phòng.

 

Trải qua hơn 50 năm, dịch SXH vẫn hoành hành, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới. SXH xảy ra nhiều ở châu Á, châu Phi, một số quốc gia vùng Nam Mỹ và Caribbean. Các nước trong khối ASEAN lấy ngày 15/6 hàng năm là Ngày ASEAN phòng, chống SXH.

 

Tại Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng, dịch bệnh SXH năm nào cũng có, có năm bùng phát thành dịch lớn, có năm dịch giảm nhưng vẫn dai dẳng không chấm dứt hẳn. Chúng ta đã triển khai các hoạt động khá rầm rộ, có sự phối hợp liên ngành và sự vào cuộc của cả cộng đồng, tuy nhiên dịch SXH vẫn xảy ra, điều đó cho thấy hoạt động phòng, chống SXH không hề đơn giản.

 

Trong 8 tháng đầu năm 2018, tại Phú Yên, số bệnh nhân bị SXH và số ổ dịch có giảm so với cùng kỳ năm 2017. Những bệnh nhân nghi SXH được theo dõi, điều trị kịp thời; những nơi có ổ dịch đều được xử lý ngay theo quy trình xử lý ổ dịch nên dịch chưa bùng phát đáng kể. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là trong triển khai phòng chống dịch, nhất là khi mùa mưa bắt đầu.

 

Đặc điểm dịch tễ của SXH thường xảy ra từ tháng 7, 8 và đỉnh là tháng 11, 12 hàng năm, khi có mưa nhiều, côn trùng trong đó có muỗi Aedes Aegypti phát triển mạnh. Hiện nay, ở Phú Yên bắt đầu có mưa và nhiệt độ chênh lệch đáng kể trong ngày làm cho sức đề kháng của các cá nhân giảm nên rất dễ mắc bệnh. Nhiệt độ, độ ẩm trong mùa mưa rất thích hợp cho muỗi Aedes phát triển. Khi đã có muỗi, có nguồn lây là người bệnh thì dịch bệnh sẽ bùng phát và lây lan nhanh.

 

Vì vậy, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư phải chủ động phòng chống dịch, thực hiện tốt các biện pháp sau đây: Không để tồn đọng nước trong các dụng cụ chứa nước bằng cách đổ nước trong các dụng cụ hay đồ vật có chứa nước hàng tuần để tránh muỗi đẻ trứng. Những nơi công cộng thường có rất nhiều đồ vật có chứa nước như các bể, phi, bồn xi măng... cần lưu ý đến điều này. Các chậu cảnh, bình hoa… cần được thay nước hay đổ nước.

 

Đặc biệt ở những danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí, người dân nói chung, khách du lịch nói riêng thường sử dụng chai, lọ, ly nhựa, túi ni lông… để đựng thức ăn nước uống; sau khi dùng xong nhiều người thiếu ý thức không dọn mà vứt vào các bụi cây, đám cỏ… Khi mưa xuống, chính những vật dụng này sẽ trở thành nơi chứa nước mưa, vài ngày sau sẽ là nơi lý tưởng cho muỗi Aedes Aegypti đẻ trứng.

 

Hơn nữa, ở Phú Yên có nhiều công trình xây dựng đang thi công, tại đó có những vật dụng trở thành nơi chứa nước khi mưa xuống, là môi trường để muỗi đẻ trứng và phát triển thành lăng quăng. Đáng lo hơn, những vật dụng chứa nước ở nơi công cộng lại thiếu sự quan tâm của người dân. Đây cũng là nguy cơ bùng phát dịch SXH.

 

Để phòng, chống SXH hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ, thường xuyên và nghiêm túc các biện pháp như điều tra dịch tễ, phát hiện sớm ca bệnh, đổ bọ gậy, khai thông cống rãnh, vệ sinh môi trường, diệt muỗi và bảo vệ khối cảm nhiễm; tuyên truyền cho người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh cho gia đình, cộng đồng mình và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, tránh tâm lý chủ quan, nhất là khi mưa xuống.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek