Thứ Hai, 07/10/2024 21:30 CH
Phẫu thuật thay khớp gối: Tạo cơ hội đi lại, sinh hoạt bình thường cho bệnh nhân
Thứ Hai, 10/09/2018 13:28 CH

Phẫu thuật thay khớp gối là một trong những cuộc cách mạng trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, giúp những bệnh nhân bị hư khớp gối hoàn toàn có cơ hội đi lại được. Trao đổi với Báo Phú Yên về kỹ thuật này, TS-BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, cho biết:

 

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh

- Nhiều bệnh nhân nghe đến thay khớp gối là sợ, tưởng sẽ bị cắt nguyên đầu gối vứt đi và lấy đầu gối khác gắn vô. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Trước đây, những bệnh nhân bị hư khớp gối nguyên phát do lớn tuổi, hoặc thứ phát do tổn thương lao khớp gối, nhiễm trùng, gout, viêm khớp dạng thấp... không thể đi lại được, phải ngồi xe lăn. Còn hiện nay, những trường hợp này có thể được thay khớp gối nhân tạo. Sau phẫu thuật, bệnh nhân bắt đầu tập đi và sau đó đi lại, sinh hoạt bình thường.

 

Trên thế giới, kỹ thuật phẫu thuật thay khớp gối đã được thực hiện hàng chục năm nay. Còn tại Việt Nam, kỹ thuật này phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây.

 

* Tiến sĩ có thể cho biết những trường hợp nào cần thay khớp gối?

 

- Bệnh nhân bị hư khớp gối hoàn toàn, mà không đang bị nhiễm trùng thì có thể thay khớp gối. Trường hợp bị hư khớp gối hoàn toàn có hai loại. Thứ nhất là bệnh nhân lớn tuổi và bị hư khớp gối do thoái hóa, đó là hư khớp gối tự nhiên - gọi là nguyên phát. Thứ hai là bệnh nhân thoái hóa khớp gối sau một bệnh lý.

 

Ví dụ bệnh nhân trước đó bị viêm khớp dạng thấp, bệnh gout mà không điều trị; bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp mà nó làm hư luôn khớp gối; bệnh nhân trước đó bị nhiễm trùng khớp gối, đã điều trị hết nhiễm trùng rồi nhưng nó hư hoàn toàn sụn hoặc những bệnh nhân bị chấn thương gãy mâm chày, gãy lồi cầu đùi và hư hết sụn...

 

Chỉ định duy nhất để thay khớp gối là khi bệnh nhân quá đau, không còn đi được trên khớp gối đó nữa.

 

* Bệnh nhân sau khi được phẫu thuật cần chăm sóc như thế nào để có thể đi lại bình thường, thưa bác sĩ?

 

- Khi được thay khớp gối, bệnh nhân sẽ mang trong người một khối kim loại nặng nửa ký, gồm phần kim loại bọc ở lồi cầu xương đùi, lồi cầu mâm chày và miếng nhựa nằm chính giữa thay cho lớp sụn. Sau khi mổ, bệnh nhân bắt đầu tập đi, và sau đó có thể lấy lại tất cả hoạt động bình thường của khớp gối, không phải kiêng cữ bất kỳ chuyện gì. Một số trường hợp luyện tập tốt, bệnh nhân còn có thể ngồi xổm được.

 

Tuy nhiên, chúng tôi không khuyên bệnh nhân ngồi xổm vì khớp gối nhân tạo không hoàn toàn như khớp gối bình thường. Thêm vào đó, việc ngồi xổm sẽ làm mau hư khớp gối nhân tạo. Do vậy, bệnh nhân nên hạn chế việc ngồi xổm. Bệnh nhân vẫn có thể chơi những môn thể dục thể thao nhẹ nhàng ví dụ như đi bộ, chạy bộ chậm, đi bơi, đạp xe đạp, và những hoạt động thể lực khác mà không cần chạy nhảy quá nhiều. Có bệnh nhân hỏi là có thể chơi cầu lông, tennis được không? Vẫn được. Nhưng dĩ nhiên sẽ không phải ở cấp độ vận động viên mà chúng ta chỉ nên chơi để duy trì sức khỏe.

 

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh (phải) cùng ê kíp phẫu thuật thay khớp gối cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: LÊ HẢO

 

Quan trọng nhất là khi mang khớp gối nhân tạo, nếu có vết thương hay nhiễm trùng từ bất cứ bộ phận nào trong cơ thể thì bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ điều trị triệt để nhiễm trùng và cho uống kháng sinh.

 

Vì nếu không vi trùng sẽ lan từ chỗ đó vào khớp gối gây hiện tượng nhiễm trùng. Lời khuyên là nếu bệnh nhân đã được thay khớp gối thì mỗi năm hoặc hai năm, bệnh nhân nên quay trở lại cơ sở y tế để các bác sĩ chụp hình kiểm tra độ mòn của khớp ra sao, có cần chỉnh sửa hoặc có vấn đề gì không. Hoặc khi bệnh nhân bị đau khớp trở lại thì nên quay lại tìm kiếm nguyên nhân, đôi khi có thể là nguyên nhân ngoài khớp hoặc trong khớp chứ chúng ta đừng tự điều trị.

 

Về mặt lý thuyết, khớp gối nhân tạo có thể sử dụng được từ 15-20 năm hoặc lâu hơn tùy theo mức độ bảo dưỡng của bệnh nhân.

 

* Chi phí cho một ca thay khớp gối hiện nay là bao nhiêu?

 

- Một ca phẫu thuật thay khớp gối tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên hiện nay có chi phí khoảng 80-100 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì bảo hiểm sẽ chi trả khoảng 50% gồm tiền thuốc men và các loại khớp. Số còn lại bệnh nhân chi trả.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 

Hoạt động chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng giữa Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương với Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được triển khai khoảng 1 năm nay.

 

Đợt đầu, các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ra Phú Yên khám sàng lọc và mổ những trường hợp cần thay khớp gối, khớp háng. Sau đó, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cử người vào TP Hồ Chí Minh để được đào tạo trực tiếp, mỗi khóa kéo dài khoảng 2 tháng. Mới đây, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh tiếp tục ra Phú Yên để chuyển giao kỹ thuật.

 

Theo bác sĩ này, sau một năm thực hiện, khối lượng công việc chuyển giao đạt hơn 90%. Trong thời gian tới, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên có thể làm chủ được kỹ thuật phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng. Và trong tương lai khi có những kỹ thuật mới về thay khớp gối như thay khớp gối một ngăn thì Bệnh viện Nguyễn Tri Phương lại tiếp tục chuyển giao.

 

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek