Bệnh cao huyết áp đang có xu hướng gia tăng và là nguyên nhân gây đột tử hàng đầu trong số các bệnh lý hiện nay. Bệnh học cao huyết áp được chia làm 2 loại: cao huyết áp nguyên phát và cao huyết áp thứ phát, trong đó cao huyết áp nguyên phát chiếm đến trên 90% trường hợp cao huyết áp. Các yếu tố nguy cơ của cao huyết áp và tai biến do cao huyết áp được nêu ra rất nhiều, từ rối loạn chuyển hóa, thuốc lá, rượu, stress cho đến các hành vi cá nhân như lười vận động, có lối sống tĩnh tại…
Biến chứng của cao huyết áp rất nặng nề, từ rối loạn tuần hoàn não đến nhũn não và xuất huyết não, rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Những trường hợp được cứu sống để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giảm sức lao động. Vì vậy, dự phòng và khống chế cao huyết áp rất quan trọng đối với người có nguy cơ cao cũng như người đã bị cao huyết áp. Khi bị bệnh cao huyết áp, người bệnh phải điều trị suốt đời và phải được theo dõi chặt chẽ, tránh biến chứng xảy ra.
Thông thường bên cạnh điều trị nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp (đối với cao huyết áp thứ phát), các bệnh nhân được phối hợp 3 biện pháp để khống chế huyết áp đó là: vận động thể lực - chế độ ăn - thuốc hạ huyết áp. Bất kỳ bệnh nhân nào bị cao huyết áp đều cần phải vận động thể lực phù hợp và chế độ ăn theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu hai biện pháp này không khống chế được huyết áp thì mới sử dụng thuốc hạ huyết áp.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy tập luyện phù hợp có thể làm hạ được huyết áp từ 4-5mmHg. Việc tập luyện sẽ làm cho nhịp tim nhanh, mạnh hơn, nhờ đó lượng máu tống ra khỏi thất trái nhiều hơn, tốc độ máu di chuyển trong lòng mạch mạnh hơn làm cho lượng mỡ xấu không “kịp” lắng đọng trên thành mạch, nên không làm cho mạch máu bị xơ cứng. Hơn nữa dòng máu di chuyển đều đặn trong lòng mạch làm cho cơ trơn và sợi chun (tạo nên lớp giữa của mạch máu) đàn hồi tốt hơn, nhờ đó sức chịu đựng của mạch máu tốt hơn trước các áp lực. Máu di chuyển trong lòng mạch tốt sẽ tưới máu cho các tế bào nhiều hơn, tế bào được cung cấp nhiều oxy hơn sẽ chuyển hóa tốt hơn tạo năng lượng cho tế bào hoạt động dưới dạng ATP và thải chất độc trong quá trình chuyển hóa ra bên ngoài. Tuy nhiên, vận động thể lực ở bệnh nhân cao huyết áp cần phải được sự hướng dẫn của bác sĩ, bởi nếu vận động quá mức có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn, ngược lại vận động quá ít sẽ không đủ “đô” để điều hòa huyết áp. Đối với người thừa cân béo phì thì tập luyện vừa để giảm cân vừa tạo sức bền. Còn những người không thừa cân thì luyện tập để làm tăng sức chịu đựng của hệ thống mạch máu, từ đó giảm nguy cơ bị tai biến.
Đối với những người có các nguy cơ như béo phì, thừa cân chưa bị cao huyết áp thì nên vận động thể lực ở mức nặng; những người bị cao huyết áp độ 1, 2 nên vận động thể lực mức vừa, còn những người bị cao huyết áp độ 3 thì nên vận động thể lực mức nhẹ. Mức nặng, vừa, nhẹ dựa vào vào nhịp tim tối đa lý thuyết (được tính bằng 220 trừ đi số tuổi của người đó). Mức nặng là trên 80% nhịp tim tối đa lý thuyết, mức vừa là từ 60 đến dưới 80% nhịp tim tối đa lý thuyết, còn mức nhẹ là dưới 60% nhịp tim tối đa lý thuyết. Người tập luyện chỉ cần lấy 220 trừ số tuổi của mình và tập tùy mức độ để có nhịp tim tương ứng. Đơn giản hơn, nếu tập thấy mồ hôi ra hơi ướt áo lót và không có cảm giác đánh trống ngực tức là tập ở mức vừa. Đối với người bị cao huyết áp nên tập ở mức vừa phải và tập đều đặn 30-45 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần là đủ.
Bên cạnh tập luyện, người bệnh cao huyết áp phải thực hiện chế độ ăn cân đối ít mỡ động vật, tăng cường dầu thực vật, nên ăn nhiều rau củ, quả, các loại đậu giàu protide, hạn chế lượng muối dưới 5g/ngày; ngủ đủ giấc, tránh các sang chấn tâm lý; hạn chế sử dụng chất kích thích như bia, rượu, cà phê; sử dụng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của thầy thuốc.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên